Dự án phát triển báo chí Việt Nam ra mắt sách 2022
Vừa qua, tại Hà Nội, dự án Phát triển báo chí Việt Nam, giai đoạn 2020-2022 tổ chức Lễ ra mắt hai cuốn sách: Hướng dẫn sử dụng tin tức - Tin vào đâu trong một thế giới tràn ngập tin giả (tác giả Alan Rusbridger), Nhà báo toàn cầu (tác giả David Randall).
Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng theo hình thức xã hội hóa [...] trong suốt 5 năm triển khai.
Cuốn sách Hướng dẫn sử dụng tin tức - Tin vào đâu trong một thế giới tràn ngập tin giả như một cuốn cẩm nang chỉ dẫn dành cho người dùng về cách nắm bắt thông tin, phân biệt sự thật và hư cấu, khiến những người nắm trong tay thông tin, quyền lực... phải có trách nhiệm về thông tin.
Từ trí tuệ nhân tạo đến robot, từ khủng hoảng khí hậu đến tin tức giả mạo, từ “mồi câu view” đến “chiêu bài gây sự”, tác giả luôn đặt người đọc trong một sự thôi thúc suy nghĩ và đặt câu hỏi - một câu hỏi mang tính sống còn: “Tin vào điều gì?”.
Đối với cuốn Nhà báo toàn cầu, đây là cuốn sách giáo khoa hàng đầu thế giới trong lĩnh vực báo chí, được dịch sang hàng chục ngôn ngữ - một hướng dẫn chi tiết và xác đáng về “tính phổ quát” trong các thao tác thực hành báo chí và thái độ làm việc cần có của một nhà báo chuyên nghiệp (hay dù bạn chỉ là một thực tập sinh).
Lễ ra mắt hai cuốn sách Hướng dẫn sử dụng tin tức - Tin vào đâu trong một thế giới tràn ngập tin giả và Nhà báo toàn cầu.
Tác giả nhấn mạnh rằng, nền báo chí chất lượng không chỉ hướng đến những mục đích chung, nó còn phải trao quyền cho các nhà báo thông qua việc giúp họ trang bị một loạt các kỹ năng để chủ động ứng biến trong giai đoạn mà quyền sở hữu, công nghệ thông tin không ngừng thay đổi. Cuốn sách này thách thức nhiều quan điểm cố cựu; đồng thời đưa ra một thông điệp dứt khoát: Báo chí không có chỗ cho sự cẩu thả và mù mờ.
Hai cuốn sách được ra mắt trong buổi lễ là những tài liệu nghề nghiệp hữu ích, trực tiếp phục vụ cho công việc của các nhà quản lý, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người hàng ngày, hàng giờ tham gia vào hoạt động báo chí. Mục đích là đáp ứng nhu cầu xã hội về một nền truyền thông tốt hơn nữa - hiện đại trong công nghệ - thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và bảo đảm trung thực trong nội dung chuyển tải.
Trong gần 3 năm thực hiện dự án, 2020-2022, dự án đã tổ chức thành công hơn 20 hoạt động bao gồm tổ chức các khóa tập huấn, các diễn đàn, hội thảo về công nghệ, báo chí, xuất bản 6 cuốn sách về nghiệp vụ báo chí… tiếp cận được đến với gần hơn 10.000 lượt các nhà quản lý báo chí, cán bộ quản lý truyền thông, phóng viên báo chí trên cả nước.
Trong năm 2022, đây là hoạt động thứ 5 được tổ chức, các hoạt động này góp phần giúp cho các cán bộ truyền thông được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng truyền thông báo chí tiên tiến trong thời đại mới để phát huy tính hiệu quả trong công việc chuyên môn.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của mình, dự án cũng giúp cho các cán bộ truyền thông được kết nối, giao lưu với nhau để trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm trong việc quản lý và tác nghiệp thực tiễn.
Thùy Dung (T/h)