Dùng "alô" để... quậy

00:00, 19/05/2010

Ở nông thôn hiện nay, dùng điện thoại  di động không còn là "xa xỉ" như trước kia. Người người có điện thoại, nhà nhà có điện thoại, thậm chí bà gánh rau cũng dùng di động. Tuy nhiên, bên cạnh những người sử dụng điện thoại một cách hợp lí, coi điện thoại là phương tiện hữu ích cho mục đích thông tin liên lạc, thì hiện nay cũng nảy sinh nhiều hiện tượng dùng di động một cách tiêu cực. Có dịp tiếp xúc với những người dân dùng điện thoại ở nông thôn, mới thấy những câu chuyện "cười ra nước mắt" từ những chiếc alô mà họ sử dụng.

Những trò nháy máy quái đản!
 

Vào thăm xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan (Lạng Sơn), một xã thuộc diện 135, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn nhưng, việc người dân dùng điện thoại lại rất phổ biến. Gần như nhà nào cũng có điện thoại để bàn, thanh niên nào cũng sở hữu điện thoại di động. Anh Nguyễn Văn Hoà ở bản Kéo Phai, xã Đồng Giáp, thay vì sử dụng số tiền Nhà nước hỗ trợ ăn Tết Canh Dần 2010 cho gia đình thì lại đi mua sắm điện thoại. Khi thắc mắc, anh hồn nhiên trả lới là để “nghe nhạc và vì bạn bè ai cũng có nên mình phải có thôi".

 

Anh Hà Văn Học, 24 tuổi ở thôn Cốc Sáng, được mọi người đặt cho biệt danh là "vua nháy máy" kể cho chúng tôi biết, có lần, chỉ trong một buổi trưa mà anh nháy vào số máy của một người bạn lên đến hơn 200 lần, lí do là vì :"Đứa ấy không chịu trả lời tin nhắn tao". Anh Học còn tự đắc khoe rằng: “máy tao chỉ báo là 0 giây, nên tao chẳng mất xu nào mà lại được nháy sướng"!

 

Còn anh Hà Văn Tuấn cũng ở thôn Cốc Sáng cho biết, cứ vào tầm 2 đến 3 giờ đêm một số máy lạ từ Trung Quốc nhá vào số máy anh. Khi anh gọi lại là số máy kia không nhấc máy. Sau một thời gian "điều tra" anh mới biết chủ nhân của số thuê bao lạ đó là của một người cùng làng tên là Thảo, hiện đang đi làm thuê ở Trung Quốc. Anh Tuấn bức xúc: "Lúc nào thằng kia về là tao phải "tẩn" cho một trận. Hàng xóm với chả bạn bè gì mà chơi kiểu ấy".

 

Những pha giả danh ngoạn mục
 
Hà Văn Tú, nhà ở bản Pá Tuồng, xã Đồng Giáp làm nhân viên tiếp thị cho hãng mỹ phẩm Unilever ở Hà Nội. Vì công việc bận rộn nên Tú ít khi về nhà thăm mẹ già và gia đình. Một hôm, bà Y - mẹ của Tú ở nhà nhận được một cú điện thoại làm bà “chết đứng” khi đầu dây bên kia ngắn gọn một câu thông báo: "Thằng Tú ở dưới Hà Nội bị nghiện ma tuý rồi, gọi nó về ngay đi"! Bản chất vốn là người nông dân thật thà, chất phác nên bà Y tin là con của mình đã nghiện thật, bà tức tốc gọi điện bảo Tú về ngay. Mọi thanh minh của Tú trở nên vô ích. Tú cho biết, sau đó anh phải xin công ty nghỉ phép mấy hôm rồi về nhà làm 5, 6 mâm cỗ mời họ hàng về để chứng minh mình không dính dáng gì đến ma túy.
 
Bị một cú lừa đau, Tú quyết định “điều tra” ra bằng được người chơi đểu mình. Cuối cùng, Tú mới ngã ngửa ra khi biết rằng, người chơi khăm mình chính là ông anh họ quý hoá, hồi trước từng đi làm cùng ở Unilever, nhưng sau bị sa thải. Tú thở dài: "Anh em mà chơi đểu nhau như thế thì còn tin sao được".
 

Có trường hợp vì những cú điện thoại vô danh mà làm tan cửa nát nhà. Gia đình anh Hà Văn Liêm và chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Lùng Cúng, xã Đồng Giáp sống với nhau đã được đứa con 4 tuổi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Liêm phải bôn ba đây đó làm phụ vữa kiếm tiền. Cũng vì vậy mà anh ít có thời gian về thăm vợ con.
 
Một lần được bạn bè rủ rê nên số tiền gần 10 triệu anh dành dụm bấy lâu định gửi về cho vợ con được "nướng" sạch vào trò đỏ đen ba cây. Đúng thời gian ấy, chị Hoa ở quê nhà nhận được cú điện thoại của một người vô danh nói rằng anh Liêm dạo này đang mải mê "cặp kè" với người khác. Cơn ghen nổi lên, chị liền gọi điện cho anh Liêm nói dối là mẹ ở nhà ốm nắng về ngay. Anh Liêm về đến nhà chẳng thấy đưa cho được một xu nào nên chị Hoa đinh ninh là chồng mình "nuôi" gái thật, thế là chị nổi trận lôi đình bất kể trời đất và những lời thanh minh của anh Liêm.

 

Nhầm lẫn vì những lời giả danh qua điện thoại của anh Nguyễn Văn Nhót ở thôn Nà Vuồng, xã Đồng Giáp bi hài chẳng kém. Anh Nhót kể lại, lúc đó vào ban đêm, đang trong lúc men say ngà ngà, anh nhận được một cú điện thoại từ một số máy lạ nói năng lời lẽ miệt thị, chửi bới anh thậm tệ. Sau cuộc gọi là lời hẹn: "Giỏi thì 20 phút nữa mày đến trước cổng trạm xá quyết một trận". Đang trong cơn tức giận, anh Nhót cầm ngay chiếc gậy phi thẳng ra trạm xá.
 
Trong màn đêm nhập nhoạng, anh nhìn thấy một người đàn ông đang lững thững ở đó. Chẳng cần nói năng gì, anh Nhót nhảy vào đánh đấm tới tấp. Sau một hồi làm cho "thịt nát sương tan", anh Nhót mới nhận ra người mình đánh là anh Hưng, cán bộ văn hoá xã! Sau đó anh Nhót bị gọi vào Uỷ ban xã để giải quyết về tội "đánh người vô cớ", trong khi người giả danh hẹn anh thì "bặt âm vô tín”!

 

Tạm kết
 

Còn rất nhiều nữa những câu chuyện bi hài mà chúng tôi biết được, mà nguyên nhân chủ yếu là từ những chiếc "alô" vô tội ở các vùng nông thôn. Quả thực, số người không có công ăn việc làm ở nông thôn còn nhiều, nên việc "nhàn cư vi bất thiện" cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, văn hoá ứng xử của người dân chưa cao nên những trò quậy phá bằng điện thoại như vừa kể trên thật sự là một điều đáng buồn. Cân bằng được sự phát triển của văn hoá với sự phát triển của thời buổi công nghệ hiện đại, để công nghệ không bị sử dụng một cách thiếu văn hoá là một bài toán khó thực tế xã hội đang đặt ra với các nhà quản lý.

 

Lành Hữu

TIN LIÊN QUAN