Được ghi nhận dẫn đầu khu vực, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có gì?

07:59, 15/04/2024

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Kết quả này nhấn mạnh thương mại điện tử ngày càng khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Thương mại điện tử Việt Nam đang dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ngày càng phát triển, hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Modor Intelligence, tháng 1/2024, Việt Nam được ghi nhận là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới, dẫn đầu Đông Nam Á.

Ghi nhận của Modor Intelligence là hoàn toàn thực tế, bởi thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện đang có lực đẩy từ nhiều phía. Song song với thúc đẩy chính phủ số và xã hội số, sự bùng nổ của công nghệ mới nổi và nhanh chóng được áp dụng tại Việt Nam đang là cơ sở để gia tăng tầm ảnh hưởng của thương mại điện tử.

Ở góc độ công nghệ tài chính kỹ thuật số, kể từ sau đại dịch codvi-19 tại Việt Nam, hành vi giao dịch không tiếp xúc của người dân được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo đó, tính đến tháng 2/2024, số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,7 triệu thuê bao tăng 1,2% so với cùng kỳ (99,5 triệu thuê bao) cùng với đó là Internet giá rẻ đã thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tất cả các giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Motor Intelligence, con số này được dự đoán sẽ giảm vào năm 2025 khi sự phát triển các phương thức thanh toán kỹ thuật số ngày càng tăng.

Trong một cuộc khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến do Rakuten thực hiện vào tháng 6/ 2022, cho thấy 71% số người được hỏi ở Việt Nam cho biết họ đã thanh toán cho các giao dịch mua hàng trực tuyến bằng tiền mặt khi giao hàng trong ba tháng trước đó. Theo báo cáo của 54% số người được hỏi, ví di động là lựa chọn thanh toán phổ biến thứ hai khi mua sắm trực tuyến.

Tại Việt Nam, thanh toán không tiếp xúc đang phủ sóng rộng khắp cả thành thị và nông thôn, bên cạnh các ví di động, thanh toán kỹ thuật số bằng mã QR Code cũng ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng. Người tiêu dùng, người dân có thể thực hiện thanh toán bắt cứ mặt hàng nào thông qua phương thức điện tử, trong đó QR Code vẫn đang chiếm ưu thế.

Với dân số 100 triệu dân, thị trường Việt Nam không còn là sân chơi riêng cho các nhà bán lẻ nội, rộng hơn là có sự tham gia của nhiều ông lớn bán lẻ trong khu vực và toàn cầu. Điều này khiến cho thương mại điện tử của Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường sôi động nhất trong khu vực. Tuy nhiên, trong số 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu hiện nay, Việt Nam chỉ có hai đại điện là Tiki và Sendo với thị phần không đáng kể so với 3 nền tảng thương mại điện tử quốc tế còn lại.

Đánh giá sự phát triển của các sàn thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam, ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc kinh doanh Metric cho biết trong năm 2023, các nhà bán hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng.

Theo thống kê, riêng sàn Shopee, các nhà bán hàng có kho hàng tại nước ngoài thu gần 3 nghìn tỷ trong quý 4/2023, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều nhận định cho rằng các nhà bán hàng nước ngoài, đặc biệt là nhà bán hàng Trung Quốc là thách thức lớn thời gian tới.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence hồi tháng 1/2024, cho thấy Việt Nam được ghi nhận là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất thế giới, dẫn đầu Đông Nam Á. Các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2024, với doanh thu và khối lượng bán hàng được dự báo sẽ vượt 310 nghìn tỷ đồng (12,5 tỷ USD), tăng 35% so với năm 2023.

Cùng với những ghi nhận đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến những bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ được thúc đẩy bởi sự thâm nhập của Internet và di động ngày càng tăng.

Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến và những tiến bộ trong thanh toán kỹ thuật số đã, đang và sẽ tiếp tục tạo đà tăng trưởng cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Theo Tạp chí Thương Trường

https://thuongtruong.com.vn/news/duoc-ghi-nhan-dan-dau-khu-vuc-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-dang-co-gi-119752.html