“Đường 9 đoạn” nóng tại Shangri-La

10:02, 02/06/2014

Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 đã bế mạc chiều qua 1/6, sau 3 ngày nhóm họp với 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất chính là những diễn biến mới đây khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định đây là những hành động gây căng thẳng trong khu vực.

 

Đoàn đại biểu của Việt Nam làm việc với đoàn đại biểu của Trung Quốc tại Shangri-La.

Cùng đó, cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông được nhiều học giả, chính khách các nước đặt câu hỏi nhưng Trung Quốc luôn tìm cách lảng tránh.

Về phía Trung Quốc, tại phiên thảo luận chung thứ 4, diễn ra sáng 1/6 với chủ đề “Quan điểm của các cường quốc lớn về hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương”, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung -  Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc ủng hộ hợp tác, đối thoại, tăng cường tin lòng tin chiến lược giữa các nước; cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền bằng các quyền liên quan đến biển.

Trong phần hỏi đáp sau thảo luận, các học giả đến từ nhiều nước trên thế giới đã tập trung yêu cầu ông Vương Quán Trung giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau đây là những câu hỏi tiêu biểu về “đường 9 đoạn”:

“Tôi không thể hiểu nổi, tại sao sau khi thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, nước ông lại vẽ ra đường 9 đoạn, việc này là thế nào?” - Ông Sighn, học giả Ấn Độ.

“Về đường 9 đoạn, ông có thể cho tôi biết đó là gì để mọi người hiểu rõ hơn và thứ hai, Trung Quốc nói rằng chỉ đáp lại những hành động khiêu khích. Vậy ông hãy cho biết Việt Nam đã có hành động khiêu khích gì ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để buộc các ông phải đưa giàn khoan ra khu vực đó?” - Ông Dmitri Sevatopol, Báo Financial Times.

“Trung Quốc đơn phương giải thích luật pháp quốc tế theo cách của họ. Trung Quốc luôn nói có luật pháp quốc tế khác. Tôi vẫn luôn hỏi là các ngài đang áp dụng luật lệ quốc tế nào? Rồi khi họ vận dụng đến lịch sử thì đấy là lịch sử được nhào nặn” - Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia.

“Câu hỏi đặt ra vậy Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra đời để làm gì? Đó là điều khó hiểu cho công chúng, cho giới truyền thông, cho các chính trị gia ở châu Á. Trung Quốc một mặt tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển nhưng một mặt, khi có tranh chấp xảy ra với họ thì họ nói Công ước này không thể áp dụng được” - Ông Fredy Fsteiger, Phó Tổng biên tập Đài phát thanh  SRF, Thụy Sĩ.

Thay vì trả lời các học giả, ông Vương Quán Trung cho biết, Trung Quốc chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan và viện lý do thời gian để lảng tránh các câu hỏi đã đề cập. Tướng Vương Quán Trung vẫn đưa ra thông điệp tốt đẹp về Trung Quốc: Thực hiện chính sách “Trỗi dậy hòa bình”, sẵn sàng hợp tác với các nước khác để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh khu vực theo hình thức “Đôi bên cùng thắng”.

Tuy vậy, một số thông điệp mà đại diện quân đội Trung Quốc đưa ra tại diễn đàn Shangri-La đã gây ngạc nhiên với dư luận, bởi nó đi ngược lại những điều đang diễn ra trên thực tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ "hy vọng và trông đợi việc hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), mà sẽ là cách thức duy nhất để ngăn ngừa các sự cố” và để xây dựng một môi trường “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” hơn nữa trong khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen nhấn mạnh đến tính “phi dự báo” của những thách thức an ninh đối với khu vực, trong đó có các sự cố trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore khẳng định có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng “việc chủ động xây dựng các mối quan hệ và khuôn khổ đa phương mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin thông qua hợp tác và đồng thuận."

Thanh Trà (tổng hợp)