EU muốn Apple đảm bảo 'khả năng tương tác hiệu quả' của iOS với các nền tảng khác
Apple đang đứng trước áp lực lớn từ Liên minh Châu Âu (EU), khi buộc phải điều chỉnh mạnh mẽ cách thức hoạt động của iOS để tuân thủ các quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA). Đây là một bộ luật chống độc quyền với mục tiêu ngăn cản các gã khổng lồ công nghệ lợi dụng vị thế để thực hiện các hành vi phi cạnh tranh. Nhưng dường như, EU vẫn chưa hài lòng và yêu cầu Apple phải tiến xa hơn, nhấn mạnh vào việc cải thiện khả năng "tương tác hiệu quả" giữa iOS và các nền tảng khác.
Apple bị thúc ép sửa đổi sâu rộng hệ sinh thái iOS
Theo một báo cáo từ Bloomberg, Ủy ban Châu Âu vừa công bố một tài liệu nằm trong cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Apple. Trong tài liệu này, EU yêu cầu Apple thay đổi nhiều khía cạnh quan trọng của iOS, nhằm tạo điều kiện cho các nhà phát triển bên thứ ba tiếp cận những công nghệ vốn chỉ được Apple sử dụng riêng cho sản phẩm của mình.
Ví dụ, EU muốn Apple hỗ trợ người dùng ghép nối và kiểm soát dễ dàng hơn các thiết bị như tai nghe hay đồng hồ thông minh từ những hãng khác trên iOS. Ngoài ra, hệ điều hành này cũng được yêu cầu cho phép ứng dụng của bên thứ ba chạy toàn bộ ở chế độ nền – thứ lâu nay chỉ có các ứng dụng "nhà trồng" của Apple mới được hưởng đặc quyền. Thậm chí, các tính năng nổi bật như AirPlay và AirDrop, vốn là "đặc sản" dành riêng cho các thiết bị của Apple, cũng được EU yêu cầu "mở cửa" cho các bên thứ ba.
Ủy ban Châu Âu đã đưa ra thời hạn đến ngày 9 tháng 1 năm 2025 để tiến hành tham vấn trong vụ việc. Nếu Apple không chấp thuận hoặc không đáp ứng đầy đủ quy định, EU có thể mở một cuộc điều tra chính thức, đồng thời áp dụng khoản phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu của công ty mỗi năm.
Trước yêu cầu ngày càng gia tăng từ phía EU, Apple đã lên tiếng phản đối trong một tài liệu trực tuyến, cáo buộc rằng EU và luật DMA đang "tấn công mang tính cá nhân". Apple nhấn mạnh rằng các yêu cầu này sẽ làm suy yếu sự an toàn và bảo mật của hệ sinh thái mà hãng đã dày công xây dựng. Họ giải thích rằng nếu phải mở toàn bộ công nghệ của mình cho các bên thứ ba, điều này không chỉ đe dọa quyền riêng tư của người dùng mà còn khiến dữ liệu trên iOS trở thành mục tiêu dễ bị khai thác.
Apple còn chỉ trích Meta – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp – là bên đang gây áp lực lớn nhất trong việc đòi quyền truy cập vào các công nghệ "nhạy cảm" của iOS. Họ cảnh báo rằng việc đáp ứng các yêu cầu này sẽ cho phép Meta có quyền truy cập sâu chưa từng có vào hệ thống của Apple. Điều này bao gồm đọc toàn bộ tin nhắn, email, theo dõi lịch sử cuộc gọi, ứng dụng người dùng sử dụng, thậm chí cả mật khẩu và tệp cá nhân – những dữ liệu mà chính Apple đã tự loại trừ để bảo vệ quyền riêng tư tối đa cho khách hàng.
Meta lập luận rằng việc truy cập vào công nghệ của Apple là cần thiết để cải thiện trải nghiệm sử dụng các thiết bị của hãng như kính thông minh Ray-Ban Meta hay tai nghe thực tế ảo Meta Quest. Tuy nhiên, Apple khẳng định họ đã cung cấp đủ khả năng tương thích cho các thiết bị này mà không cần đến việc mở cửa công nghệ theo cách mà Meta đang yêu cầu.
Không chỉ bị gây áp lực tại châu Âu, Apple cũng đối mặt với những thách thức tương tự từ Brazil, nơi cơ quan quản lý đã yêu cầu hãng phải mở hệ sinh thái của mình cho các nhà phát triển bên thứ ba. Dù Apple đã kháng cáo, họ có nguy cơ phải chấp nhận tải ứng dụng từ nguồn ngoài App Store – điều từng được xem là bất khả thi đối với iOS.
Những thay đổi này có thể tác động sâu sắc đến hệ sinh thái Apple mà lâu nay được đánh giá là vô cùng khép kín nhưng an toàn và tối ưu. Dẫu vậy, khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như DMA, tương lai của iOS đang đứng trước bước ngoặt lớn, buộc Apple phải thay đổi chiến lược kinh doanh cũng như định hình lại toàn bộ hệ thống của mình – hoặc chịu rủi ro bị phạt hàng tỷ USD.
Vấn đề này không chỉ xoay quanh quyền lợi của Apple mà còn mở ra tranh cãi về sự cân bằng giữa quyền riêng tư, bảo mật và khả năng cạnh tranh trên thị trường công nghệ. Liệu Apple sẽ tìm được một giải pháp hài hòa, vừa đảm bảo sự phát triển của hệ sinh thái riêng, vừa tuân thủ các quy định quốc tế? Thời gian sẽ trả lời.