EVN triển khai toàn diện công tác chuyển đổi số nhiều lĩnh vực

17:28, 25/05/2021

EVN đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chủ đề năm 2021 “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Vai trò của công tác bảo mật, an ninh mạng, an toàn thông tin cũng đã được Tập đoàn nhìn nhận kịp thời để chuyển đổi số thành công.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân khẳng định, chuyển đổi số và an toàn thông tin là vấn đề rất quan trọng với EVN trong giai đoạn hiện nay. Hội đồng thành viên tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV ngày 17/02/2021 thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong EVN đến năm 2020, tính đến năm 2025.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, tập đoàn đặt ra 92 nhiệm vụ trong 5 lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh – dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin). Đồng thời, tăng cường an ninh bảo mật trong điều kiện các hoạt động của EVN chủ yếu diễn ra trên môi trường mạng.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân nhấn mạnh, tập đoàn sẽ hoàn thiện hệ sinh thái số và xây dựng cơ sở dữ liệu EVN. Theo đó, các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số cần xây dựng hệ sinh thái riêng của đơn vị mình có cấu trúc phù hợp và kết nối, đồng bộ với hệ sinh thái chung của tập đoàn, tương thích với cơ sở dữ liệu của tập đoàn. Quá trình chuyển đổi số cần gắn liền với việc tăng cường an toàn thông tin.

Trước đó, tại Hội nghị Chuyển đổi số và an toàn thông tin năm 2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số và an toàn thông tin, phải bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức; đổi mới tư duy của mỗi cán bộ nhân viên, người lao động của EVN.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng yêu cầu, các đơn vị cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN như: công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT,... Đồng thời, tập trung hoàn thiện hạ tầng số mà nền tảng là hệ thống EVN’s Cloud, xây dựng nền tảng số, phát triển AI; chuẩn hoá cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh tự động hoá, nghiên cứu sử dụng robot để thực hiện các công việc nặng nhọc, nguy hiểm… Theo đó, các đơn vị trong EVN cần đăng ký phát triển tối thiểu 10 sản phẩm “Make by EVN”, tiến tới có ít nhất 05 sản phẩm “Make in Viet Nam” là sản phẩm mang thương hiệu EVN vào năm 2022.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ thống SOC (Security Operation Center – Trung tâm điều hành an ninh); rà soát, cập nhật hoàn thiện các quy trình vận hành, quy định về an ninh, an toàn thông tin liên quan. Phải bảo đảm an ninh, an toàn cho hệ thống thông tin và cho hệ thống điều khiển, điều độ, vận hành hệ thống điện. Đây là yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với hệ thống an ninh bảo mật của EVN. Các đơn vị cũng cần xây dựng các kịch bản diễn tập và tổ chức diễn tập phòng chống tấn công, ứng cứu xử lý sự cố và biện pháp khôi phục hệ thống trong các tình huống giả định.

Trong triển khai chuyển đổi số, các đơn vị của EVN phải ứng dụng nền kinh tế chia sẻ, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình.

PV