Facebook,Twitter, YouTube gỡ video sai lệch về Covid-19
Facebook, Twitter và YouTube vừa gỡ bỏ một video được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng chứa các thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19.
Theo CNN, đoạn video được đăng tải bởi hãng truyền thông Breitbart News, nội dung cho thấy một nhóm người mặc áo khoác phòng thí nghiệm màu trắng tự xưng là "Bác sĩ tuyến đầu của Mỹ" tổ chức cuộc họp báo trước Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington.
Trong suốt buổi họp báo diễn ra trong video, một diễn giả tự nhận mình là bác sĩ đã đưa ra một số tuyên bố đáng ngờ, bao gồm cả việc "mọi người không cần đeo khẩu trang" để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới cũng như phủ nhận lại nghiên cứu cho thấy hydroxychloroquine không hiệu quả trong điều trị Covid-19. Người này cho rằng nghiên cứu trước đó là “ngụy khoa học", được tài trợ bởi "các công ty dược phẩm giả".
Người phụ nữ trong đoạn video còn tuyên bố: "Virus này có thể chữa trị bằng hydroxychloroquine, kẽm và zithromax… Mọi người không cần khẩu trang, chúng ta đã có cách chữa".
Đoạn video tin giả đã được lan truyền chóng mặt trên 3 nền tảng mạng xã hội trước khi đồng loạt bị gỡ xuống
Tất cả tuyên bố này đều đi ngược lại các kết quả nghiên cứu chính thống thời gian qua cũng như đi ngược lại lời khuyên từ các quan chức y tế công cộng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.
Video sau đó nhanh chóng lan truyền trên Facebook, trở thành một trong những nội dung đăng tải thu hút hàng đầu với hơn 14 triệu lượt xem, được chia sẻ gần 600.000 lần trước khi nó bị gỡ xuống vào tối 27/7.
"Chúng tôi đã xóa video này vì những thông tin sai lệch về các phương pháp điều trị Covid-19" - một phát ngôn viên của Facebook nói với CNN. Đồng thời, Facebook cũng cho biết đang hiển thị thông báo đến News Feed của những người đã bày tỏ cảm xúc, bình luận hoặc chia sẻ video, nội dung cho biết về việc video chia sẻ thông tin sai lệch đã bị WHO vạch trần và bị gỡ bỏ.
Về phần Twitter, phát ngôn viên của nền tảng mạng xã hội này cũng cho biết: "Chúng tôi đang hành động phù hợp với chính sách thông tin sai lệch về Covid-19 của chúng tôi”. Twitter gỡ bỏ video vào tối 27.7 sau khi thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Video cũng đã bị YouTube xóa sau khi thu về hơn 40.000 lượt xem. Người dùng khi truy cập video từ đêm 27.7 được thông báo video đã bị xóa vì "vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube".
Thiên Thanh (T/h)