FDA bác bỏ quan điểm sóng điện thoại di động gây bệnh ung thư

15:34, 13/02/2020

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa thông báo về kết quả nghiên cứu mới nhất, rằng: không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc dùng điện thoại di động có thể gây bệnh ung thư ở người.

Các chuyên gia của FDA đã xem xét 125 thí nghiệm được thực hiện trên động vật và 75 trên người từ năm 2008 đến tháng 8-2019. Vì chuột không sử dụng điện thoại di động theo cách của con người nên các chuyên gia đã đặt chúng trong không gian có bức xạ di động.

Không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc dùng điện thoại di động có thể gây bệnh ung thư ở người.

Kết quả cho thấy cả trên người và chuột đều không có mối liên quan nào giữa các khối u ung thư và bức xạ di động.

Theo FDA, hiện tại, người dân thế giới đặc biệt quan tâm đến việc tần số bức xạ của di động và sức khỏe, đặc biệt khi thế giới đang tiến tới 5G. Vì mạng 5G hoạt động ở sóng tần số cao hơn nhiều so với 4G nên đã làm dấy lên các cuộc biểu tình ở California (Mỹ) và trên toàn Liên minh châu Âu trong thời gian qua do lo ngại rằng nó có thể gây ra khối u hoặc ung thư.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) nhiều lần khẳng định rằng mạng 5G là an toàn và các báo cáo của FDA đồng tình với điều đó. 

Các chuyên gia cho biết điều quan trọng là con người phải hiểu được ảnh hưởng sức khỏe của điện thoại di động. Sức khỏe con người chỉ được an toàn khi tiếp xúc với bức xạ trong khoảng từ 300 kHz - 100 GHz, Trong khi đó, 5G hiện hoạt động ở phạm vi giữa 25,250 GHz – dưới 100 GHz.

Bằng chứng dịch tễ học hiện tại chỉ ra rằng nếu có bất kỳ rủi ro nào tồn tại thì nó cực kỳ thấp so với tỷ lệ mắc ung thư do các yếu tố tự nhiên và các yếu tố rủi ro có thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, FDA cũng kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tác động của điện thoại di động đối với con người, đặc biệt là những người có nguy cơ xuất hiện khối u cao.

 PV