G20 chuẩn bị ký hiệp ước đảm bảo công bằng vaccine COVID-19

12:05, 06/09/2021

Bộ trưởng y tế nhóm các nước G20 nhất trí rằng phân phối công bằng hơn vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Theo đó, các thành viên G20 chuẩn bị ký hiệp ước về đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu vì đây là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch.

Bộ trưởng y tế các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa nhóm họp tại thủ đô Rome của Ý nhằm giải quyết thực trạng phân phối vaccine ngừa COVID-19 thiếu công bằng trên thế giới.

Thông điệp của buổi họp là: "Một thông điệp mạnh mẽ của sự hợp tác, đoàn kết và công bằng trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau".

Các bộ trưởng đồng ý việc đảm bảo mọi người dân trên toàn cầu được tiếp cận nhanh chóng và đây đủ là cách duy nhất để kết thúc đại dịch, giảm sự lây lan từ các tâm dịch nghiêm trọng và đẩy nhanh triển khai các chính sách thiết lập trạng thái bình thường mới ở nhiều quốc gia.

"Dịch bệnh chỉ kết thúc khi nó kết thúc trên phạm vi toàn cầu. Càng để lâu càng dễ sinh ra những biến thể nguy hiểm như Delta hiện nay, chúng ta chung tay phản ứng như một cộng đồng" - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhấn mạnh.

Các thành viên G20 chuẩn bị ký hiệp ước về đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Trước mắt, các bộ trưởng dự kiến sẽ ký vào một hiệp ước để chính thức hóa nỗ lực phân phối vaccine công bằng.

Một nội dung rất được kỳ vọng sẽ là đảm bảo các nước đang phát triển được tạo nhiều điều kiện hơn để tiếp cận các nguồn vaccine hợp lý chứ không chỉ ưu ái mỗi những nước phát triển đủ điều kiện.

Một số bộ trưởng tham gia phiên họp cũng khẳng định nước họ sẽ nhanh chóng tăng hơn nữa lượng vaccine viện trợ cho các nước đang phát triển. Đơn cử, ông Spahn khẳng định Đức sẽ dành 100 triệu liều vaccine cho mục tiêu hỗ trợ tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trước năm 2022.

Theo báo South China Morning Post, Nga đã kêu gọi các nước G20 công nhận "hộ chiếu vắc xin" điện tử, một bước nhằm xây dựng cách tiếp cận chung về việc du lịch quốc tế. "Điều quan trọng là cân nhắc công nhận việc tiêm ngừa của nhau" - Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói. Phía Nga cũng đã trao đổi vấn đề này với Liên minh châu Âu nhưng chưa có nhiều tiến triển.

Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều ý kiến lên tiếng phản ánh về mức chênh lệch nghiêm trọng về lượng vaccine đang nắm giữ giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Gần đây nhất, một báo của hãng phân tích thị trường Airfinity (Anh) khẳng định sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, các nước phát triển vẫn còn dư hơn 1 tỉ liều để tái phân phối trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nước này chỉ mới phân bổ một lượng nhỏ vaccine COVID-19 mà họ đã cam kết với các nước đang phát triển vì họ đang lên kế hoạch tiêm thêm liều tăng cường cho người dân để chạy đua chống lại biến thể Delta.

Ngoài vấn đề vaccine, các bộ trưởng cũng thảo luận một số biện pháp nhằm chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện một đại dịch toàn cầu trong tương lai như COVID-19 cũng như các kế hoạch hỗ trợ phổ cập kiến thức khoa học ra đại chúng.

Hiện nay chính quyền nhiều nước châu Âu cũng đã bắt đầu yêu cầu người dân cần có giấy xác nhận đã tiêm ngừa để du lịch trong nước và sử dụng một số dịch vụ công cộng hoặc tham gia các hoạt động văn hóa - giải trí đông người.

Khôi Nguyên (T/h)