Gelex ‘rót’ 1.800 tỉ đồng làm 5 nhà máy điện gió
Làn sóng các “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực điện gió ngày càng dữ dội khi mới đây, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (Gelex) quyết định rót vốn vào 5 dự án.
Một dự án điện gió tại Bình Thuận
5 dự án này gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (H.Hướng Hoá, Quảng Trị), với công suất của khoảng 50 MW. Nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 (xã Hướng Linh, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), công suất mỗi nhà máy 30 MW.
Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex - mã cổ phiếu GEX) được thành lập ngày 10.7.1990 trên cơ sở tập trung các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ và nghiên cứu kỹ thuật điện. Gelex kinh doanh đa ngành, có giá trị vốn hóa hơn 9.000 tỉ đồng, hoạt động theo mô hình Holdings, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với hai khối kinh doanh chính gồm sản xuất công nghiệp và phát triển hạ tầng.
Tổng công ty hiện sản xuất và cung cấp bộ sản phẩm toàn diện trong lĩnh vực thiết bị điện, tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chính là dây và cáp điện, máy biến áp, động cơ điện và thiết bị đo điện. Một số thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường như Cadivi, Thibidi, Emic, Hem và Vihem với các tính năng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Với điện gió, có thể là một bước đi đón đầu Gelex bởi đây là lĩnh vực đang Chính phủ khuyến khích đầu tư. Mức giá ưu đãi điện gió lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực.
Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1.11.2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).
Thùy Chi