Gia Lai phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2981/KH-UBND “về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai".
Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã An Phú, thành phố Pleiku mang lại hiệu quả cao. Ảnh: https://gialai.gov.vn.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, triển khai ứng dụng, tiếp nhận và làm chủ công nghệ tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất, chuyển dần các sản phẩm có nguồn gốc hóa học sang nguồn gốc sinh học đạt tỉ lệ từ 50% trở lên;
Từng bước xây dựng nền kinh tế an toàn, tuần hoàn, theo hướng hữu cơ có giá trị gia tăng cao và bền vững;
Tăng quy mô đầu tư 50% so với hiện nay về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học đối với các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nhằm phát triển trình độ công nghệ sinh học của tỉnh đạt loại khá của vùng Tây Nguyên trong hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận quy trình, thành tựu về công nghệ sinh học;
Triển khai, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý các chất thải gây ô nhiễm, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính;
Nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận và làm chủ được 10 - 15 quy trình công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi..., từ 5 - 7 quy trình công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản, chế biến...; hỗ trợ 5 - 10 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học.
Phấn đấu đến năm 2045, hỗ trợ 10 - 15 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến, hiện đại nhằm mang tính dẫn dắt các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đạt loại khá của cả nước.
Triển khai/làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, hiện đại, tạo ra sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực đủ trình đô làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại ở quy mô công nghiệp.
Do đó, Kế hoạch đã đề ra 3 nhiệm vụ, 5 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện:
3 nhiệm vụ trọng tâm
1. Tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thành tựu về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
Cập nhật kịp thời các thành tựu công nghệ sinh học thông qua các kênh thông tin. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về thành tựu, kết quả đạt được trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
2. Đầu tư tiềm lực phục vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học - xây dựng nguồn nhân lực phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học
- Xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ lao động nghề đến đại học, sau đại học. Tổ chức hợp tác, đào tạo nhân lực công nghệ sinh học có trình độ cao và liên kết đào tạo nhân lực giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo.
- Đầu tư tiềm lực về cơ sở vật chất: xây dựng, hỗ trợ, phát triển một số cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, dịch vụ công nghệ sinh học hiện đại hoá công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm công nghệ đạt trình độ cao.
3. Phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học và phát triển công nghiệp sinh học
- Ưu tiên phát triển, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ về công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp chế biến; lĩnh vực y dược, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng; lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
- Xây dựng chương trình, đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y tế, môi trường. Tổ chức nghiên cứu, sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đạt chất lượng quốc tế.
5 giải pháp triển khai thực hiện
1. Tuyên truyền vai trò của công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Quán triệt vai trò của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.
- Định hướng các phương tiện truyền thông viết tin, bài, mở chuyên trang, chuyên mục để nêu gương các mô hình, cách làm giỏi, những điển hình trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học; tuyên truyền ở cấp cơ sở bằng hình thức mô hình; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.
2. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, y dược của tỉnh
Tập trung phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao; phát triển công nghệ sinh học phục vụ bảo quản sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất các sản phẩm từ nguồn cây dược liệu của tỉnh phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
3. Ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tập trung triển khai các nhiệm vụ trong việc chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và nhân rộng các kết quả nghiên cứu, công trình khoa học đã được Nhà nước công nhận, cho phép ứng dụng nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích sản xuất nguyên, nhiên liệu sinh học, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái tạo, sử dụng nguyên liệu thực vật, thân thiện với môi trường để thay thế các sản phẩm nhựa; khuyến khích xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải.
- Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.
- Xây dựng chương trình/đề án phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y tế, môi trường của tỉnh. Tổ chức nghiên cứu, sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đạt chất lượng quốc tế.
4. Nâng cao chất lượng nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn với phát triển công nghệ sinh học
- Xây dựng mô hình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ sinh học, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học; phát triển các mô hình đào tạo mới, mô hình liên kết với các nước có nền khoa học, công nghệ sinh học tiên tiến, hiện đại nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ sinh học đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tập trung đào tạo mới và đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao theo hướng hình thành các nhóm nghiên cứu, nhóm làm việc về công nghệ sinh học nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất.
- Tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật viên, đào tạo nghề về công nghệ sinh học, kết hợp bồi dưỡng tập huấn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tại địa phương. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, hoàn thiện và đồng bộ hóa trang thiết bị hiện có của các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, đơn vị trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận và thực hiện chuyển giao các quy trình công nghệ sinh học tiên tiến, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất tại địa phương đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hiệu quả kinh tế cao. Đầu tư phát triển các một số cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghệ sinh học phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
5. Đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học
- Chủ động, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận các công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao trong lĩnh vực sinh học. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước để triển khai cácnhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất, trong khám chữa bệnh, bảo vệ môi trường,...
- Tập trung hỗ trợ và phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học và trong hoạt động phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm,... phục vụ trong công tác quản lý và hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cử cán bộ, kỹ sư và các nhà khoa học của tỉnh tiếp nhận chuyển giao, trao đổi công nghệ từ các nước có nền công nghệ sinh học phát triển.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn