Giải quyết ùn tắc phương tiện luồng xanh bằng giải pháp công nghệ

16:39, 14/08/2021

Tại Hà Nội, phương án xử lý linh hoạt test nhanh Covid đối với xe luồng xanh đã được áp dụng tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở cửa ngõ, tạo điều kiện lưu thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, còn không ít địa phương vẫn bối rối, khiến hoạt động vận tải hàng hóa chậm trễ, khó khăn, gây ùn tắc.

Tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ngõ Hà Nội, các bước kiểm soát xe luồng xanh được thực hiện linh hoạt.

Đồng bộ mã hóa thẻ nhận diện

Trong thời gian các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp (DN) vận tải còn gặp nhiều khó khăn khi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Tình trạng xe luồng xanh vận chuyển hàng hóa bị ùn ứ tại một số khu vực, cửa ngõ ra vào các TP lớn vẫn tồn tại hay còn có trường hợp xe vận tải chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông qua chốt không đúng quy định, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Để hạn chế những bất cập nêu trên, một số địa phương đã linh hoạt tổ chức test nhanh ngay tại các chốt, các trạm thu phí hoặc yêu cầu lái xe đến các địa điểm gần nhất để test nhanh. Nhưng ở các địa phương chưa có điều kiện triển khai, lái xe buộc phải quay đầu xe, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc vận chuyển. Chưa kể, nhiều chốt kiểm dịch, việc đánh giá về chủng loại hàng hóa ưu tiên "hàng nhanh hỏng" cũng thiếu thống nhất giữa các lực lượng kiểm dịch.

Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ nâng cấp phần mềm thẻ nhận diện phương tiện để có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế (về việc cung cấp thêm thông tin lái xe đã được xét nghiệm, tiêm phòng) phục vụ công tác truy vết và quản lý dễ dàng hơn. Đồng thời, bổ sung luồng xanh của các địa phương vào hệ thống luồng xanh trên cả nước để thuận lợi cho đơn vị khi được cấp thẻ nhận diện lựa chọn tuyến đường; chỉ đạo các Sở GTVT tạo mọi điều kiện cho xe vận tải hoạt động trên luồng xanh nhanh nhất.

Giải pháp về công nghệ tiếp nhận đăng ký, cấp giấy ưu tiên luồng xanh vận tải sẽ được áp dụng bổ sung. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc với Bộ TT&TT để mã hoá cấp thẻ nhận diện đồng bộ với mã QR xét nghiệm, mã QR tiêm vaccine. Các lực lượng chức năng có thể dễ dàng kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, nếu các lái xe không thực hiện quy định phòng, chống dịch.

Kết nối liên bộ

Thông tin về việc tăng cường kiểm soát lưu thông vận tải hành hoá "luồng xanh" tạo thuận lợi cho các DN, Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo Quy trình vận tải an toàn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, thống nhất áp dụng cho các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16.

Theo đó, quy trình bao gồm một số nội dung như tổ chức vận tải an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19; quy định về nhiệm vụ của đơn vị vận tải, người trên phương tiện phải thực hiện các nội dung công việc đảm bảo phòng, chống dịch ở các giai đoạn trước trong sau khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển; phương án điều tiết giao thông tại các chốt kiểm dịch, hạn chế ùn tắc giao thông.

Đề xuất khi được triển khai sẽ đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương khi áp dụng Chỉ thị số 16. Ngoài ra, vừa đảm bảo mục đích vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo hàng hóa được lưu thông thông suốt, an toàn để phục vụ đời sống dân sinh và đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hóa tại các địa phương.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đưa ra giải pháp xử lý bất cập còn tồn tại trên luồng xanh vận tải

Nhằm kiểm soát các phương tiện lưu thông luồng xanh hàng hoá, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế sớm cập nhật dữ liệu về con người vào phần mềm quản lý người ra/vào các nơi công cộng như bến tàu, nhà ga, bến xe và trên phương tiện để đáp ứng với các phương án kịch bản luồng xanh.

Tổng cục cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp trong việc tổ chức phân luồng xanh cho phương tiện chở hàng hóa và công nhân, chuyên gia; Bộ TT&TT sớm đưa phần mềm quản lý người vào hoạt động để tạo thuận lợi hơn cho vận tải hàng hóa.

Hiện nay, các Bộ GTVT, Bộ Công an, đã có thống nhất đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội sẽ không kiểm tra phương tiện lưu thông có mã QR Code. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện qua hậu kiểm. Công tác kiểm tra phòng, chống dịch sẽ được thực hiện trước khi xếp dỡ hàng hóa lên xe để vận chuyển.

Theo/giaothonghanoi.kinhtedothi.vn