Giảng viên Trường Đại học Giáo dục chia sẻ 4 phương án dạy học mùa dịch

15:29, 14/09/2021

PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ một số phương án dạy học trong bối cảnh Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ một số phương án dạy học trong bối cảnh Covid-19

PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ một số phương án dạy học trong bối cảnh Covid-19.

Linh hoạt thích ứng

PGS.TS Nguyễn Chí Thành đưa ra 4 phương án dạy học trong mùa dịch. Cụ thể, dạy học trực tuyến (Trực tuyến trực tiếp qua Zoom, Google Meeting, Teams, hoặc trực tuyến qua LMS); dạy học qua truyền hình; dạy học qua sóng radio; Phát phiếu, tài liệu in tới cha mẹ học sinh thông qua email, bưu điện kết hợp với các phương thức trực tuyến khác.

Trao đổi với một số công việc cần làm, PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ: Đối với nhà trường cần có tốc độ đường truyền, máy tính, bảng thông minh và các phần mềm trong trường hợp nhà trường muốn ghi hình hay thực hiện các video clip giảng dạy hiệu quả và hấp dẫn

Ngoài ra, nhà trường cần đào tạo và bồi dưỡng giáo viên vềda kĩ năng dạy học trực tuyến; trong đó có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin và kiểm tra - đánh giá trong bài dạy.

Đặc biệt, nhấn mạnh đến kĩ năng thiết kế các hoạt động kiểm tra - đánh giá khi trong giờ dạy trực tuyến, giáo viên không có cơ hội kiểm soát trực tiếp tiến trình học tập của học sinh.

Tiếp đến là nội dung dạy học như: hệ thống bài giảng trực tuyến hay hình thức đánh giá các giờ dạy của giáo viên. Đặc biệt, là việc quản lí chất lượng hệ thống các nội dung dạy học trực tuyến.

Ngoài ra, giáo viên cần có thời gian trả lời, giải đáp câu hỏi liên quan tới bài học với cá nhân mỗi học sinh ở nhiều thời điểm khác nhau, ngay cả khi kết thúc bài giảng. Vì vậy, cần phải có chính sách phù hợp đối với giáo viên.

Khi triển khai giảng dạy trực tuyến, các nhà trường cần kết hợp hài hòa giữa các môn học để kế hoạch học online của học sinh khả thi và phù hợp. Không để học sinh quá tải về kiến thức, thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển tự nhiên của học sinh phổ thông.

Do vậy, cần chú ý đặc thù lứa tuổi của học sinh trong triển khai nội dung. Phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc triển khai để hỗ trợ và quản lí việc học trực tuyến của các em.

Bên cạnh đó, cần lựa chọn các nội dung dạy học trực tuyến. Với các nội dung phát triển kĩ năng thực hành, trải nghiệm góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất của học sinh, cần chọn thời điểm triển khai trực tiếp, không nên dạy học trực tuyến.

Có hệ thống hỗ trợ, đồng bộ, bảo mật thông tin của giáo viên, học sinh. Chú ý giáo dục kĩ năng trong môi trường số cho giáo viên và học sinh. Ví dụ: không đưa những bình luận phản cảm về giờ dạy hay chụp ảnh, ghi âm buổi dạy và đưa lên các trang mạng xã hội khi không có sự cho phép của giáo viên, học sinh.

Lựa chọn hệ thống dạy học trực tuyến phù hợp theo các tiêu chí đơn giản, công nghệ và kết nối có tính ổn định, bảo mật. Ví dụ: Moodle + Zoom. Lập kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên kĩ năng dạy học trực tuyến theo các bước: phân tích nhu cầu đào tạo của giáo viên về dạy học trực tuyến; lập kế hoạch, phát triển nội dung, triển khai, cải tiến. Đồng thời, cần có những tài liệu, hoạt động bồi dưỡng kĩ năng, thái độ của học sinh trong học tập trực tuyến.

Một tiết dạy - học trực tuyến của Trường THPT Bình Giang (Hải Dương).

Giáo viên cần nắm vững kiến thức sư phạm

Đối với giáo viên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành trao đổi: cần có kĩ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet;

Đồng thời, tổ chức các hoạt động học cho học sinh: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.

Giáo viên cần nắm vững kiến thức sư phạm như: kĩ năng xây dựng bài giảng. Cụ thể: phân tích các hoạt động cho người học “từ xa”; phương pháp dạy học trực tuyến. Ví dụ, dạy học thông qua video, tổ chức nhiệm vụ hay thiết kế hoạt động kiểm tra - đánh giá để có thông tin phản hồi; từ đó có thể tương tác và “hoạt động hóa” người học.

Bên cạnh đó, giáo viên cần nắm vững kĩ năng công nghệ như: kĩ năng sử dụng công nghệ khi xây dựng bài giảng: Sử dụng các LMS, ví dụ xây dựng các bài giảng E-learning bằng các hệ thống thông dụng như: Edmundo, Moodle, ClassDojo, Blackboard hay Canvas;

Sử dụng công nghệ để tổ chức các hoạt động dạy học như: phần mềm dạy học trong môn học cụ thể như: Cabri, Geogebra trong môn Toán hay phần mềm Kahoot, Menti cho các hoạt động kiểm tra đánh giá trực tuyến.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành, giáo viên cần chuyển đổi các hoạt động dạy học truyền thống thành các hoạt động trong môi trường tích hợp phần mềm. Ngoài ra, các thầy cô cần nắm vững kiến thức chuyên môn. Ví dụ kiến thức về hàm số trong môn Toán để tổ chức các hoạt động cho học sinh khám phá các khái niệm về hàm số, biến, đồ thị…

“Trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay; giáo viên cần có kiến thức của 3 lĩnh vực: TPACK (CK - Content Knowledge: kiến thức chuyên môn; TK - Technology Knowledge: kiến thức công nghệ; PAK - Pedagogy Knowledge: kiến thức sư phạm)” - PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh.

Đối với dạy học trên truyền hình, giáo viên xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, bao gồm: tài liệu hướng dẫn, câu hỏi bài tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo nội dung bài học trên truyền hình.

Ngoài ra, giáo viên có thể gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học tập trên truyền hình.

Theo/giaoducthoidai.vn