Châu Âu tìm cách tháo gỡ rào cản để AI bứt phá
Các nhà lãnh đạo công nghệ tại Hội nghị TNW vừa qua kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần xây dựng những quy tắc AI hợp lý, phù hợp với đặc thù của khu vực, thay vì áp dụng các mô hình quản lý cứng nhắc có nguy cơ kìm hãm khả năng cạnh tranh của châu Âu trong cuộc đua toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.
Dự kiến, vào ngày 2/8 tới, Đạo luật AI của EU sẽ chính thức đưa ra các quy định cụ thể đối với các mô hình AI mục đích chung (GPAI). Tuy nhiên, mối lo ngại về việc kiểm soát quá chặt đã dấy lên trong nhiều bên liên quan, bao gồm Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Giám đốc điều hành Bosch Stefan Hartung cùng các tập đoàn công nghệ lớn như Alphabet, Meta, Apple thông qua nhóm vận động hành lang CCIA Europe. Nhiều ý kiến đã đề nghị EU cân nhắc lùi thời hạn áp dụng nhằm tránh làm tổn hại đến năng lực cạnh tranh của chính mình.
Tại Hội nghị TNW diễn ra ở Amsterdam ngày 20/6, ông Eoghan O'Neill, quan chức chính sách cấp cao thuộc Văn phòng AI của Ủy ban châu Âu, cho biết Ủy ban sẽ hoàn thiện các quy định về GPAI trong tháng 7, trước khi Nghị viện châu Âu chính thức phê duyệt lập trường về các tiêu chuẩn. “Đây là một công nghệ lớn, phức tạp và chúng tôi muốn làm cho thật chuẩn”, ông nhấn mạnh. “Chúng tôi cần những nghĩa vụ rõ ràng để kiểm soát những mô hình có tầm ảnh hưởng hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây hại cao nhất theo Đạo luật AI”.
Ông O'Neill cũng khẳng định quá trình xây dựng các hướng dẫn này đang có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, từ các nhà phát triển AI lớn, tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, các học giả, chuyên gia an toàn AI đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và các tập đoàn công nghiệp hàng đầu châu Âu. “Đây là một mái lều lớn, nơi mọi tiếng nói đều được lắng nghe”, ông nói.
Dù vậy, nhiều nhà lãnh đạo công nghệ vẫn cho rằng EU cần nới lỏng các rào cản pháp lý để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng. “Châu Âu không phải là Hoa Kỳ,” ông Fabrizio Del Maffeo, Giám đốc điều hành Axelera AI, một công ty sản xuất chip có trụ sở tại Hà Lan nhận định. “Chúng tôi có quá nhiều ngôn ngữ, quá nhiều thị trường và quá nhiều tầng lớp quy định, từ cấp EU đến cấp địa phương. Chính những điều đó đang tạo ra các rào cản khiến doanh nghiệp khó có thể mở rộng”.
Del Maffeo cho biết công ty của ông đã ký vào bản kiến nghị “EU Inc”, một đề xuất nhằm thành lập pháp nhân tiêu chuẩn cho các công ty khởi nghiệp trong EU, giúp đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới. EU Inc dự kiến sẽ trở thành một phần của “chế độ thứ 28” một khung pháp lý toàn khối với mục tiêu đơn giản hóa các quy định về doanh nghiệp, phá sản, lao động và thuế, như Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen từng đề cập tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, theo Del Maffeo, vấn đề không chỉ nằm ở quy định. Việc châu Âu quá tập trung vào khuyến khích khởi nghiệp mới đôi khi đã làm lu mờ nhiệm vụ quan trọng là mở rộng quy mô các doanh nghiệp hiện có, điều này đòi hỏi nhiều nguồn vốn hơn là các chính sách ưu đãi.
Thực tế cho thấy châu Âu chỉ chiếm khoảng 8% tổng số công ty khởi nghiệp toàn cầu, so với 60% tại Bắc Mỹ. Đáng chú ý, chưa có công ty khởi nghiệp nào do EU sáng lập trong 50 năm qua đạt mức định giá 100 tỷ euro. Châu Âu là cái nôi của nhiều ý tưởng đổi mới nhưng lại chưa thành công trong việc xây dựng các tập đoàn công nghệ tầm cỡ.
“Xét về kỹ thuật chế tạo máy, châu Âu vẫn đang dẫn đầu thế giới”, Del Maffeo nói. “Trong ngành ô tô, chúng tôi rất mạnh, nhưng đang dần mất vị thế. Trong lĩnh vực robot, chúng tôi làm rất tốt, nhưng cũng đang bị tụt lại”.
Các diễn giả tại Hội nghị TNW đã chia sẻ nhiều quan điểm khác nhau về tương lai AI của Châu Âu. Tín dụng: TNW
Chia sẻ quan điểm này, ông Peter van der Putten, Giám đốc Phòng thí nghiệm AI và nhà khoa học trưởng của công ty phần mềm Pegasystems nhấn mạnh rằng châu Âu cần trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực. Thống kê cho thấy các công ty khởi nghiệp châu Âu chỉ huy động được khoảng 52 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong năm ngoái, trong khi con số này tại Mỹ lên tới 209 tỷ USD.
“Dòng vốn hoàn toàn có thể đến từ EU, nhưng cũng có thể từ Mỹ,” van der Putten nhận định. “Chúng ta cần những quy định linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho dòng vốn đang chảy ra từ Mỹ có thể đổ vào châu Âu”.
Ở một góc nhìn tích cực hơn, bà Elise de Reus đồng sáng lập công ty AI Cradle cho rằng châu Âu đang có cơ hội thu hút các tài năng công nghệ quay trở lại từ Mỹ, nhờ vào chất lượng cuộc sống cao và các dự án có ý nghĩa xã hội.
“Chúng tôi rất vui khi được chào đón những kỹ sư châu Âu từng làm việc tại các ‘gã khổng lồ công nghệ’ như Facebook ở Mỹ quay trở lại, để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu”, bà nói.
Elise cũng cho rằng châu Âu nên tự tin với con đường riêng của mình, thay vì cố gắng sao chép mô hình Mỹ. “Chúng ta có thể khiêm tốn hơn, và nên đo lường hạnh phúc chứ không chỉ chăm chăm vào GDP, thước đo không phải lúc nào cũng bền vững. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên cắt – dán hệ thống của Hoa Kỳ”.