Giao dịch NFT trong năm 2021 tăng 21.000%
Theo công ty dữ liệu Nonfungible, giao dịch các mã thông báo không thể thay thế (NFT) đạt 17,6 tỷ USD trong năm 2021, tăng 21.000% so với năm 2020.
NFT phổ biến nhất hiện nay mang tính chất sưu tầm.
Gauthier Zuppinger, đồng sáng lập Nonfungible, cho biết: “Chúng tôi ghi nhận tốc độ tăng trưởng cấp số nhân trong năm vừa qua”.
NFT là tài sản kỹ thuật số không thể thay thế hay sao chép, được gắn với vật phẩm nhất định như tác phẩm nghệ thuật, ảnh đại diện trò chơi điện tử… cho phép người dùng xác định chủ sở hữu đích thực thông qua mã xác thực duy nhất dựa trên công nghệ blockchain.
Thời gian qua thị trường từng ghi nhận mã thông báo đại diện cho bức ảnh ghép tạo ra bởi nghệ sĩ Beeple được bán với giá kỷ lục 69 triệu USD trong cuộc đấu giá; hay các bộ sưu tập đình đám khác như CLB du thuyền Bored Ape cũng thu hút sự chú ý của nhiều người, có cả những nhân vật của showbiz...
Những người ủng hộ tin NFT là cách hữu hiệu để chứng minh quyền sở hữu nội dung kỹ thuật số, trong khi ý kiến trái chiều cho rằng thị trường này tạo cơ hội cho các hành vi làm giá. Người tham gia thường được khuyến khích đầu cơ và NFT “đang được sử dụng cho mục đích rửa tiền và các hoạt động bất chính khác”.
Trong năm 2021, có hơn 2,5 triệu ví tiền mã hoá được sử dụng để nắm giữ hoặc giao dịch NFT, tăng từ 89.000 ví điện tử năm 2020. Số lượng người mua cũng tăng từ 75.000 lên 2,3 triệu. Người chơi cũng kiếm nhiều tiền hơn từ NFT, tạo ra tổng cộng 5,4 tỷ USD lợi nhuận từ doanh số bán các tài sản kỹ thuật số này. Hơn 470 ví điện tử được ghi nhận kiếm về hơn 1 triệu USD.
NFT phổ biến nhất hiện nay mang tính chất sưu tầm, chiếm 8,4 tỷ USD. Năm qua, nhiều NFT được bán với giá hàng chục triệu USD như “Everydays: The First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple giá 69 triệu USD, hay “The Merge” của họa sĩ Pak giá 91,8 triệu USD.
Trong khi đó, các NFT liên quan đến trò chơi, như trong Axie Infinity, đứng thứ 2, đạt doanh thu 5,2 tỷ USD. NFT về metaverse như đất ảo và các dự án tương tự cũng có tổng giá trị 514 triệu USD.
Theo CNBC, ông Gauthier Zuppinger không kỳ vọng giá trị tổng thể của các giao dịch NFT tăng trong năm nay. Hiện khối lượng giao dịch tài sản này đạt trung bình 687 triệu USD/tuần, tăng nhẹ so với con số 620 triệu USD/tuần của quý 4/2021.
“Chúng tôi đang thấy có ít người mua hơn và doanh số cũng giảm. Có thể số lượng người tham gia đi xuống do tình trạng đầu cơ và mất hứng thú với các bộ sưu tập. Tuy vậy, thị trường toàn cầu đang vẫn ở mức rất cao và giá trị của một số tài sản vẫn tiếp tục tăng lên”, đồng sáng lập công ty dữ liệu Nonfungible nhận định.
Ông cũng dự đoán nhiều công ty lớn và thể chế tài chính sẽ tham gia thị trường khi các loại tài sản đầu cơ dần biến mất. Một số thương hiệu lớn như Visa và Nike tham gia NFT trong năm 2021.
Tiền mã hoá, NFT phát triển nóng trên quy mô toàn cầu.
Ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh chỉ đạo chính phủ đánh giá nguy cơ và lợi ích của tiền mã hoá, cũng như nghiên cứu tiềm năng của đồng USD điện tử. Đây là chỉ thị hành pháp được kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tiền số tại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh mối quan tâm đối với các tài sản kỹ thuật số ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Sắc lệnh này yêu cầu các cơ quan liên bang có cách tiếp cận thống nhất trong quản lý và giám sát tài sản kỹ thuật số trên 6 lĩnh vực chủ chốt gồm bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính, hoạt động bất hợp pháp, khả năng cạnh tranh của Mỹ, tài chính toàn diện và đổi mới có trách nhiệm.
Sắc lệnh yêu cầu cần giảm thiểu các hành vi tài chính bất hợp pháp và nguy cơ đối với an ninh Mỹ gây ra bởi tiền mã hoá. Tháng trước, Mỹ thu giữ số Bitcoin trị giá 3,6 tỷ USD, vụ bắt giữ lớn nhất tiền mã hoá lớn nhất từng thực hiện, liên quan tới vụ hack sàn giao dịch Bitfinex năm 2016.
Liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine, Washington đang lo ngại về khả năng tiền mã hoá có thể giúp các tổ chức và cá nhân người Nga né tránh những biện pháp cấm vận.
Sắc lệnh yêu cầu giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường từ tiền mã hoá. Liên quan vấn đề này, năm ngoái, Trung Quốc cấm hoàn toàn việc khai thác tiền điện tử, dẫn đến cuộc di cư của các “thợ đào” sang Mỹ và một số nước khác.
Sắc lệnh không đề cập tới việc Mỹ có nên phát hành đồng tiền kỹ thuật số riêng hay không, nhưng coi việc nghiên cứu đồng USD điện tử là vấn đề “cấp bách” với chính phủ. Bài toán về ổn định tài chính và bảo mật của đồng tiền là quan trọng nhất.
Trung Quốc đang dẫn đầu trong phát triển đồng điện tử của Ngân hàng Trung ương, với ngày càng nhiều người dân nước này sử dụng thanh toán qua smartphone cũng như chi tiêu tài chính.
Minh Thuỳ (T/h)