Google, Facebook, Microsoft hợp sức chống tin giả và lừa đảo về Covid-19

Phúc Anh 20:58, 17/03/2020

Sau một thời gian dài với những nỗ lực riêng rẽ, ngày 17-3 (giờ Việt Nam), các nền tảng công nghệ lớn chính thức tuyên bố bắt tay với nhau trong cuộc chiến chống tin giả và lừa đảo liên quan tới dịch viêm phổi cấp Covid-19.

Nhiều tập đoàn công nghệ tại Mỹ đang cùng nhau hợp tác với các tổ chức y tế để đảm bảo người dùng có được cái nhìn chính xác, không bị sai lệch về những tin đồn thất thiệt về COVID-19. Facebook, Google, YouTube, Microsoft, Reddit và Twitter là những tập đoàn đầu tiên tuyên bố xác nhận về hợp tác này.

"Chúng tôi đang giúp kết nối hàng triệu người trên thế giới, và cùng nhau chống lại nạn tin giả/sai sự thật về dịch COVID-19. Để làm điều này, chúng tôi nâng cao nội dung được xác thực trên nền tảng, đồng thời chia sẻ các thông tin quan trọng đến từ các cơ quan y tế của chính phủ trên thế giới.

Chúng tôi cũng sẽ mời thêm các công ty khác tham gia vào hợp tác, nhằm mục đích giữ cho không gian mạng được vững chắc và an toàncác trang mạng xã hội thông tin.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các đơn vị truyền thông, mạng Xã hội đang phải chịu áp lực rất lớn từ việc loại trừ tin giả, không chính xác, hoặc sai lệch sự thật liên quan đến virus covid-19 trên nền tảng.

Những thông tin sai này đang được chia sẻ tràn lan trên Internet dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những việc nhỏ như cách thức lây nhiễm, cách tự chống virus, những cá nhân bị lây nhiễm,... cho đến quy mô lớn hơn là cập nhật số người nhiễm của cả một khu vực, tình trạng phong tỏa, chính sách cách ly tại các quốc gia trên thế giới.

Tổ chức thống kê Newsguard thậm chí cho biết trong khoảng 90 ngày trở lại đây, các trang y tế giả mạo nhận được số truy cập trung bình gấp đến 142 lần so với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, lẫn Tổ chức Y tế Thế giới cộng lại. Các hội, nhóm tương tự trên Facebook cũng có số truy cập cao.

Để đối phó, hai mạng Xã hội lớn nhất là Facebook và Twitter đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn cản nội dung xấu độc, gây hại, sai sự thật, liên quan đến COVID-19 trên nền tảng của mình. Ngoài ra, nếu người dùng gõ theo từ khóa gợi ý, thì các nội dung phê duyệt từ chính phủ, tổ chức y tế cũng sẽ được ưu tiên hiển thị.


Thông báo chung được các bên đưa ra trên mạng xã hội Twitter trong ngày 17/3.

Hiện các bên chưa thông báo cụ thể những khía cạnh hợp tác, cũng như việc bắt tay sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các chính sách quản lý nền tảng sẵn có của mỗi bên. Tuy nhiên, trong bối cảnh thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đang lan tràn khắp nơi, nổi bật là gây hiện tượng khủng hoảng giả tạo để bán hàng, quảng cáo các phương thuốc chống bệnh…, mọi nỗ lực phòng, chống đều là đáng quý. Cũng trong lần này, Twitter sẽ cung cấp cho các tổ chức phi chính phủ nhiều ưu đãi quảng cáo miễn phí để hỗ trợ các chiến dịch y tế công cộng.

Việc hợp tác của các công ty công nghệ cũng sẽ đem lại nhiều ích lợi cho chính phủ các nước. Trước đó, Nhà Trắng từng phải đứng ra phủ nhận tin đồn trên mạng xã hội về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc phong tỏa toàn đất nước này để tránh Covid-19 lây lan. Trong khi đó, những tin đồn thất thiệt cũng khiến nhiều người lo ngại về việc hệ thống tàu điện ngầm tại New York ngưng hoạt động, hay việc phát tán những thủ thuật chữa Covid-19 giả nguồn gốc từ trường đại học uy tín Stanford.

Trong tuần trước, đại diện các công ty công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon cũng đã có cuộc gặp với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận các phương thức cụ thể liên quan tới nỗ lực nói trên. Mặc dù đại diện của các công ty này đều có trao đổi với các quan chức của Washington, nhưng không phải mọi đơn vị đều ký vào thông báo chung cuối cùng sau cuộc họp.

Google thì cho ra mắt một nhóm phản ứng nhanh, hoạt động 24/7, với nhiệm vụ ngay lập tức xóa bỏ thông tin sai lệch khỏi kết quả tìm kiếm, bao gồm cả tin bài và những video trên nền tảng YouTube.

Dẫu vậy, trước khối lượng tin giả ngày một gia tăng - mà theo tổ chức WHO gọi là một loại "bệnh dịch", thì toàn ngành công nghiệp Internet đang phải đối phó với một thử thách vô cùng lớn, để xem rằng khả năng hạn chế lan truyền thông tin sai lệch hiệu quả tới đâu.

PV/TH