Google tôn vinh nghệ thuật ca trù của Việt Nam

13:59, 24/02/2020

Nhân ngày Giỗ tổ nghiệp ca trù (23/2), Google đã thay thế tạm thời biểu tượng trên trang chủ để tôn vinh loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Google tôn vinh ca trù để khuyến khích giới trẻ quan tâm văn hóa truyền thống

Ngày 23/2, Google đã thay thế tạm thời biểu tượng (Google Doodle) trên trang chủ do nghệ sĩ đồ họa Xuân Lê (sống tại thành phố Hồ Chí Minh) thiết kế để tôn vinh ca trù – loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Biểu tượng ca trù được minh họa bằng hình ảnh của một chầu hát điển hình với 3 thành viên gồm: nữ ca sĩ (thường gọi là “đào” hay “ca nương”) vừa hát vừa gõ bộ phách lấy nhịp; một “kép” nam đệm đàn đáy và một “quan viên” đánh trống chầu.

Đại diện Google cho biết, thông qua việc tôn vinh nghệ thuật ca trù, Google mong muốn nâng cao nhận thức và sự quan tâm của công chúng đối với những nghệ thuật dân gian truyền thống đang có nguy cơ biến mất, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về cội nguồn.

Đồng thời, Google cũng muốn mang lại cho người xem cảm giác tự hào và tinh thần dân tộc, khuyến khích thế hệ trẻ khám phá văn hoá nghệ thuật đặc sắc, phong phú của Việt Nam. Ngoài ra, khơi gợi lên sự quan tâm của cộng đồng quốc tế với loại hình nghệ thuật ca trù.

Biểu tượng đặc biệt về ca trù được thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google.com.vn trong 1 ngày 23/2.

Ca trù từng là loại ca cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích

Theo một số nhà nghiên cứu, ca trù không giống dân ca, hoàn toàn không có nhạc đệm và căn bản không ghi ký âm. Vì thế có thể coi ca trù là thể loại âm nhạc cung đình, mang tính giải trí được giới quý tộc và trí thức yêu thích bởi sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

Ca trù là loại hình hát thơ tinh tế và công phu, dùng lời ca viết theo các thể thơ truyền thống của Việt Nam. Có tới 56 thể thức hoặc giai điệu khác nhau, được gọi là thể cách, nhằm đáp ứng các mục đích xã hội khác nhau, bao gồm hát thờ, hát chơi, hát hoàng cung và hát thi. Ca trù phản ánh văn hóa, tín ngưỡng và hệ tư tưởng của người Việt thế hệ trước. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian truyền thống đại diện cho những thay đổi xã hội trong đời sống địa phương theo thời gian.

Sự tích dân gian kể rằng 2 vị tổ của ca trù là vợ chồng Định Dự (con trai Đinh Lễ – một vị tướng của vua Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ 15) và công chúa Đường Hoa (một người nhà trời).

Theo vn.sputniknews, ca trù từng rất thịnh hành thời phong kiến, sau đó dần vắng bóng khỏi đời sống sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mãi đến năm 1980, ca trù mới được phép trình diễn cho công chúng. Nghệ thuật ca trù sau đó được khai thác trong nhiều bộ phim cũng như các chủ đề âm nhạc Việt Nam.

Năm 2005, lần đầu tiên Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan ca trù. Sau đó, loại hình âm nhạc này được tổ chức định kỳ nhằm mục đích thực hiện công tác bảo vệ di sản văn hoá thể giới. Hiện tại, nghệ thuật ca trù không chỉ dành riêng cho nữ giới mà nam giới (kép đàn) ngày nay cũng có thể vừa diễn tấu đàn vừa hát thay ca nương hoặc làm nhạc công đệm đàn. Đến nay, có khoảng 15 tỉnh, thành phố phía Bắc đã thành lập hàng chục câu lạc bộ ca trù và hoạt động thường xuyên đến nay.

Ngày 1/10/2009, ca trù được ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là danh hiệu UNESCO có vùng ảnh hưởng lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, ca trù còn là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.