Grab, MoMo đang 'lấn sân' sang thị trường TMĐT Việt Nam
Grab và MoMo đều là những tên tuổi quen thuộc nhưng khá mới mẻ khi tham gia vào thương mại điện tử tại Việt Nam gần đây.
- MoMo chính thức chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt
- MoMo cam kết thực hiện bảo mật theo chuẩn quốc tế
- Ví MoMo triển khai chiến dịch chống Covid-19 qua smartphone
- Ví Momo đoạt giải thưởng “Ứng dụng tài chính có nhiều người sử dụng nhất của năm 2020"
- Grap dùng AI của Google biến nét vẽ thành món ăn giao tận tay
- Grap ra mắt tính năng “chuyến xe hẹn giờ” tại Hà Nội
Sân chơi thương mại điện tử tại Việt Nam sắp tới sẽ càng náo nhiệt hơn khi có sự tham gia của Grab và MoMo. Cả hai đang đặt những viên gạch đầu tiên vào mảng này, trong đó Grab đi sớm hơn và đang gia tăng lượng nhà bán hàng trên nền tảng của họ.
Thương mại điện tử tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác. (Ảnh: Thanh Tùng)
Sách trắng Thương mại điện tử 2020, do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành, cho thấy năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đạt 44,8 triệu người, tăng so với mức 39,9 triệu người năm 2018. Giá trị mua sắm của mỗi người cũng tăng lên 225 USD/người/năm so với mức 160 USD hồi năm 2015. Việt Nam có mức tăng trưởng thương mại điện tử đứng ở top 3 của Đông Nam Á.
Hiện nay, các nền tảng thương mại điện tử tổng hợp dẫn đầu tại Việt Nam gồm Shopee, Tiki, Lazada, Sendo - đều được rót những khoản vốn khổng lồ để đầu tư phát triển. Số tiền rót vào những doanh nghiệp này minh chứng rõ nét nhất cho tiềm năng của mua sắm online tại Việt Nam lẫn khu vực.
Cũng theo Sách trắng, doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Con số này khá thấp so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 12% (theo Hootsuite và We Are Social).
Thêm vào đó, Sách trắng công bố chỉ 42% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, thấp hơn mức trung bình 56% của Đông Nam Á theo khảo sát của Forrester.
Quy mô thị trường khá lớn và tiềm năng khiến nhiều doanh nghiệp nhảy vào thương mại điện tử tại Việt Nam trong chục năm trở lại đây, trong đó không ít doanh nghiệp phải dừng chân. Tuy nhiên Grab và MoMo là câu chuyện khác khi cả hai đều xây được hệ sinh thái nhất định, và thương mại điện tử như một nhánh tất yếu để trở thành “siêu ứng dụng”, một ứng dụng được sử dụng hàng ngày.
Vẫn thương mại điện tử nhưng đi hướng riêng
Bằng việc tung ra GrabMart tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, Grab đã đặt một chân vào thương mại điện tử. Tại Việt Nam, bên cạnh các mặt hàng tươi sống truyền thống, trên GrabMart đã có nhóm hàng gia dụng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, đồ dùng trẻ em... Mặc dù hàng hoá chưa đa dạng nhưng nền tảng này đang mở rộng thêm các nhà cung cấp. Hiện Grab đang hợp tác với các siêu thị lớn như BigC, Co.op Food, Cheers, Lotte Mart, và nhiều cửa hàng nhỏ khác.
Trong khi đó, MoMo vừa có thêm tính năng "Đi chợ online", kết hợp với các nhà cung cấp như Co.op Smile, Cheers để bán hàng. Tương tự GrabMart ở giai đoạn đầu tiên, số lượng nhà cung cấp trên MoMo hiện khá ít ỏi.
Thống kê của Sách trắng Thương mại Điện tử cho thấy người dùng mua sắm trên website giảm mạnh từ 74% năm 2018 xuống còn 52% năm 2019. Ngược lại, người dùng mua qua ứng dụng tăng từ 52% lên 57%, tức mua qua app đã vượt mua trên website.
Trong thời gian dịch người dân có nhiều thời gian để tăng tương tác. (Ảnh: Thanh Tùng)
Cả MoMo và Grab đều có lợi thế trước xu hướng này khi cả hai đều là ứng dụng trên smartphone. Trong cuộc chơi thương mại điện tử sắp tới, Grab có lợi thế mạnh mẽ ở lượng tài xế giao hàng, trong khi MoMo thuận lợi ở khả năng thanh toán.
Liên kết với Moca, Grab có những công cụ mạnh mẽ ở cả giao hàng lẫn thanh toán, hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong thương mại điện tử. Trong khi 20 triệu khách hàng của MoMo cũng quen với việc trả tiền dịch vụ online. Tập khách hàng của MoMo và Grab cực kỳ chất lượng vì đã sẵn sàng trả tiền ngay từ đầu khi cài ứng dụng.
Tuy vậy, khác với các nền tảng thương mại điện tử khác, cả Grab và MoMo sẽ đi theo hướng riêng, xem shopping online như một phần của ứng dụng chứ không chú tâm hoàn toàn phát triển mảng này.
Khi tuyên bố có 20 triệu khách hàng vào tháng 9 năm nay, MoMo tuyên bố kế hoạch thành siêu ứng dụng, phát triển theo định hướng nền tảng để các doanh nghiệp kinh doanh tận dụng tập khách hàng này.
Hiện tại, MoMo trưng bày hàng hoá và hoàn thiện khâu thanh toán, việc vận chuyển do đối tác thực hiện.
Trong khi đó, Grab có sẵn đội ngũ giao hàng mạnh mẽ, có thêm nền tảng thanh toán Moca. Các tài xế Grab cũng quen với cả thanh toán online lẫn thanh toán bằng tiền mặt, hay giao hàng - nhận tiền (COD). Khi mở rộng thêm các đối tác cung cấp hàng hoá, rõ ràng nền tảng này có nhiều lợi thế để phát triển kênh mua sắm online.
Dù vậy, mảng này của Grab có thể chú trọng nhiều ở các mặt hàng cần giao tức thời trong 1-2 tiếng đồng hồ, hoặc giao trong ngày, và giao hàng trong nội ô thành phố, tỉnh thành. Tất nhiên không loại trừ khả năng Grab phát triển giao hàng toàn quốc, với thời gian linh động hơn.
Tuy vậy, lợi thế của Grab còn nhiều hơn thế. Ở một số thị trường ở Đông Nam Á, do làm việc với các đối tác tài chính và bảo hiểm, nền tảng này còn mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới. Chẳng hạn, Grab có thể cung cấp hàng hoá, nguyên vật liệu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho họ nợ tiền thanh toán trong một thời gian nhất định. Hoặc có thể cho người dùng mua sắm hàng hoá, dịch vụ trên Grab đến cuối tháng mới trả tiền mà không phải trả lãi.
Dù thừa nhận hay không, cả Grab và MoMo đều đang nhảy vào thương mại điện tử theo một cách nào đó nhằm tận dụng hệ sinh thái có sẵn. Với nguồn tài chính dồi dào, dịch vụ đa dạng, Grab đang có cơ hội để hoàn thiện mảnh ghép thương mại điện tử trong bức tranh lớn của họ.
Thanh Nguyễn (T/h)