Giáo dục - Đào tạo

Hà Nội: Bốn kịch bản đón học sinh trở lại trường học mới là đề xuất

08:59, 27/09/2021

Kịch bản đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại học đã được Hà Nội cân nhắc; trong đó có phương án cho học sinh đầu cấp và học sinh năm nay sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12) ở “vùng xanh” có thể quay trở lại trường.

Nhưng kịch bản bốn phương án cho học sinh trở lại trường mới là đề xuất của Sở GD&ĐT.

Đang thống nhất các phương án

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, trở lại trường học an toàn là vấn đề phụ huynh, học sinh, thầy cô và xã hội rất mong muốn. Tuy nhiên, phải xem xét tình hình chống dịch thời gian tới vì chỉ cần 1-2 trường hợp sơ sẩy sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như một số tỉnh thành, điển hình là Hà Nam, Hải Dương, TP Vinh (Nghệ An)... cho học sinh trở lại trường nhưng khi có ca bệnh bùng phát đã lây nhiễm cho nhiều thầy cô và học sinh.

“Học sinh (dưới 18 tuổi) thuộc đối tượng chưa được tiêm vaccine nên càng phải thận trọng, tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, kết quả rà soát cho thấy có 96,1% thầy cô giáo thuộc hệ thống Giáo dục Hà Nội được tiêm vaccine mũi 1; tỷ lệ tiêm mũi 2 là 32%. Vì vậy, chủ trương của TP là chỉ khi nào đảm bảo an toàn nhất mới cho học sinh trở lại trường học”- Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết.

ZaloSở GD&ĐT Hà Nội xây dựng 4 phương án đón học sinh trở lại trường nếu dịch bệnh ổn định

Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, trong đó có Hà Nội là xem xét “vùng xanh” để cho học sinh quay trở lại trường học tập. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã xây dựng 4 kịch bản; trong đó có kịch bản khả thi nhất đó là học sinh đầu cấp và học sinh năm nay sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (các lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12) có thể quay trở lại trường.

Về vấn đề này, UBND TP giao Giám đốc Sở GD&ĐT và Giám đốc Sở Y tế đồng hành, soạn thảo phương án trên cơ sở thống nhất cùng lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã và bước cuối cùng là lãnh đạo UBND TP xem xét, quyết định.

“Trở lại trường học là giấc mơ của tất cả mọi người. Thông điệp của Tổ chức Y tế Thế giới gửi đến là: Đại dịch còn diễn biến phức tạp; có thể chúng ta phải chung sống với dịch Covid- 19 trong thời gian dài nữa khi chưa có đủ vaccine cho tất cả mọi người. Vì vậy, cha mẹ, nhà trường, thầy cô cần dạy học sinh kỹ năng phòng chống dịch để đảm bảo an toàn tối đa; tránh nguy cơ khi trở lại trường thì có một nguy cơ khác rình rập bởi nếu dịch lây lan trong trường học sẽ rất đau lòng, tốn kém cho gia đình và xã hội - như nhiều địa phương đã gặp phải….”- ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho biết.

Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng Dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, áp dụng khi mở cửa trường học trở lại nếu điều kiện cho phép. Dự thảo gồm 15 tiêu chí, với 3 giai đoạn: Trước khi học sinh đến trường, khi đến trường và kết thúc buổi học.

Các trường học: Sẵn sàng đón học sinh

Đón học sinh trở lại trường không chỉ là mong mỏi của phụ huynh, học sinh mà còn của nhà trường và các thầy cô giáo. "Luôn trong tâm thế đón các con trở lại trường, nhà trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh, đặc biệt là các công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, nhà trường chú trọng chỉnh trang cảnh quan trường lớp, tiểu cảnh, sân chơi thật đẹp để tạo hứng thú, hào hứng cho học sinh. Các vấn đề khác như sắp xếp thời khóa biểu, CLB vui chơi, thể thao, chế độ ăn bán trú… đều được chuẩn bị rất kỹ càng để bù đắp cho các con trong thời gian ở nhà, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, chế độ học tập, vui chơi khoa học và an toàn cho các con” - cô giáo Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Yên cho biết.

Về vấn đề này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa Bùi Thanh Sơn bày tỏ: “Do đã có sự chuẩn bị nên chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng cho học sinh đi học lại. Thời gian qua, học sinh trên địa bàn học online đạt gần 100%, chương trình đảm bảo thực hiện tinh giản theo chỉ đạo của Bộ, của Sở. Chỉ cần có chủ trương, chúng tôi sẽ thực hiện trên tinh thần an toàn phòng chống dịch đặt lên cao nhất”.

ZaloCác trường học thực hiện công tác vệ sinh, sẵn sàng đón học sinh trở lại

Thời gian qua, huyện Mê Linh không ghi nhận ca F0 nào và tất cả các trường học đều mong muốn học sinh được đến trường học tập để đảm bảo chất lượng. Các trường trên địa bàn đã chuẩn bị các phương án để đón học sinh đi học như tổng vệ sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất học tập và phòng chống dịch. "Chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội và luôn sẵn sàng đón học sinh đi học lại” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.

Tại Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Một trong những mục tiêu ứng phó với dịch bệnh hiện nay của nước ta là tiến tới mở cửa an toàn trường học để học sinh không phải học trực tuyến. Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT và các bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng kịch bản trở lại trường học an toàn ở những nơi an toàn; an toàn để học tập. Việc tiêm vaccine cho trẻ em cần được tiến hành sớm, đặc biệt với trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Một số nước đang nghiên cứu vaccine để tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đã và đang đàm phán mua vaccine tiêm cho trẻ em; dùng mọi hình thức, mọi biện pháp ngoại giao vaccine…bởi muốn trở lại trường học thì an toàn cho học sinh, cho thầy cô phải được đặt lên trên hết.

15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học theo Dự thảo của Sở GD&ĐT Hà Nội:

Trước khi học sinh đến trường

1. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học (thiết bị đo thân nhiệt, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nước uống, nơi rửa tay bằng nước sạch), chú ý đến các yếu tố liên quan đến người khuyết tật.

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương.

3. 100% trẻ em mầm non, học sinh phổ thông (gọi chung là học sinh), cán bộ giáo viên thực hiện khai báo sức khỏe, đo thân nhiệt ở nhà trước khi đến trường.

4. 100% học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện việc đeo khẩu trang đúng cách trên đường đến trường.

5. Thực hiện vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón (nếu có) theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

6. Có nhân viên y tế trường học, phòng cách ly, phòng y tế đảm bảo theo quy định, có tổ chức tư vấn tâm lý học đường.

7. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho học sinh, cán bộ, giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh và xây dựng phương án xử trí trường hợp có sốt, ho, khó, thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học.

Khi học sinh đến trường

8. Bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học.

9. Bảo đảm 100% học sinh mầm non và tiểu học được đón và giao nhận tại cổng trường.

10. Đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường theo quy định của Chính phủ.

11. Thực hiện đầy đủ theo quy định việc lau khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi lần đưa đón theo quy định, đeo khẩu trang đúng cách trong thời gian ở trường.

12. Thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

13. Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch của nhà trường thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Khi học sinh kết thúc buổi học

14. Bảo đảm 100% học sinh, cán bộ, giáo viên đảm bảo giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà.

15. Bảo đảm 100% học sinh mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ.

Việc đánh giá và xếp loại an toàn trường học được tiến hành theo cách thức: Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức: Đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn và ngược lại.

Đánh giá lần lượt, nếu đạt từ 11 tiêu chí trở lên, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 10, 11 được đánh giá mức đạt thì trường học đó được đánh giá mức độ thực hiện tốt, trường học an toàn (đồng thời khuyến nghị thường xuyên kiểm tra để duy trì các tiêu chí đạt).

Đạt từ 8 đến 10 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 10, 11 được đánh giá mức đạt thì trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí không đạt.

Đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.

Theo/kinhtedothi.vn