Hà Nội: Cấm xe đường trên cao nút Mai Dịch - cầu Thăng Long trong 3 ngày
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản cấp phép cho Ban Quản lý dự án Thăng Long rào chắn trên đường vành đai 3 trên cao, phục vụ thi công ram lên xuống của dự án cầu cạn, từ ngày 23 đến 26/4.
Ảnh: Minh họa
Ngày 22/4 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản cấp phép cho Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) rào chắn trên đường vành đai 3 trên cao, phục vụ thi công nhánh ramp lên xuống của dự án cầu cạn.Theo đó, trong thời gian đóng cầu cạn đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, các phương tiện di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng mở rộng. Tuyến đường này có 12 làn xe, 6 làn mỗi bên.
Các phương tiện lưu thông trên đường Vành Đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long sẽ được điều hướng, lưu thông vào đường Phạm Văn Đồng ở bên dưới thấp.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức thu gọn rào chắn trên đường Phạm Văn Đồng trong thời gian đóng đường vành đai 3 trên cao (đoạn Mai Dịch - đầu cầu Thăng Long) để đảm bảo lưu lượng giao thông trên cả 2 hướng tuyến, từ phạm vi nhánh ram Hoàng Quốc Việt đến hết phạm vi nhánh ramp cổ Nhuế, bề rộng làn đường lưu thông phía trong (làn giáp giải phân cách giữa là 8 m); bề rộng làn đường lưu thông phía ngoài (làn giáp vỉa hè) là 6m.
Phương thức rào chắn bằng barie kết hợp đèn cảnh báo, biển báo, biển cảnh báo, biển hướng dẫn giao thông phục vụ cảnh báo tại chỗ và từ xa, bố trí người hướng dẫn giao thông 24/24 giờ tại các điểm đầu đường dẫn lên mố A1 và mố A2 theo hướng di chuyển của các phương tiện,...
Hiện nay chưa có lối dẫn lên xuống, nên các phương tiện đi từ điểm đầu dự án, đoạn giáp cầu vượt Mai Dịch đến điểm cuối là khu đô thị Ciputra (cạnh cầu Thăng Long) nếu muốn quay đầu sẽ phải đi hết cầu Thăng Long, sang phía huyện Đông Anh mới quay xe được.
Cầu cạn vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn 4,8 km, tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng. Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.
Trọng Lương (T/h)