Hà Nội cần đi đầu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử
Là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, động lực phát triển vùng. Hà Nội cần đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử và xã hội số.
Quy mô kinh tế tăng gấp gần 4 lần
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005, của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo đó, kinh tế duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011 - 2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Quy mô GRDP năm 2021 theo giá hiện hành đạt 1,067 triệu tỷ đồng, gấp 3,9 lần năm 2008, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng và 17,7% tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tiếp tục có sự cải thiện, từ mức 120,3 triệu đồng/người năm 2019 lên 128,2 triệu đồng/người năm 2021 (gấp 1,4 lần so với bình quân cả nước và 1,2 lần so với bình quân vùng).
Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,0% dự toán và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 12,2%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương là 752.932 tỷ đồng (đạt 96,0% dự toán) và có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn là 13,1%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2021 đạt 411.261 tỷ đồng (bằng 40,8% so với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội vùng, bằng 13,8% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cả nước và tăng 2,3% so với năm 2008). Hết năm 2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt khoảng 326.000.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 27 bậc (từ vị trí 36/63 tỉnh, thành phố năm 2011 lên vị trí 9/63 năm 2020 và tiếp tục nằm trong Top 10 năm 2021). Chỉ số Cải cách hành chính (PAR - INDEX) của thành phố luôn đứng ở Top 10 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Về phát triển văn hóa - xã hội, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết, toàn thành phố hiện có 88% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và 72,5% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.
Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn Quốc gia đạt 76,9%. Hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp. Hiện, Hà Nội quản lý 82 bệnh viện (tăng 27 cơ sở so với năm 2010). Thành phố đạt 13,7 bác sĩ/vạn dân; 27,5 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2021 đạt 91,8%.
Cần thiết phải ban hành nghị quyết mới
Để thực hiện nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030 là “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn” và các quan điểm được đề ra tại Nghị quyết 15-NQ/TW là “Phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước”, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị diễn ra mới đây, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TƯ - cho rằng, Hà Nội cần tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân; làm cho tinh thần Nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng bộ.
Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch chung của vùng Đồng bằng sông Hồng, các quy hoạch quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế- xã hội. “Hà Nội cần là địa phương đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh,chính quyền điện tử và xã hội số; về đổi mới sáng tạo, khai thác tốt hơn tiềm lực khoa học - công nghệ vào quá trình phát triển của thành phố” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nêu rõ.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần của Nghị quyết số 54-NQ/TW, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt Quy hoạch vùng sẽ làm cơ sở để các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương xây dựng thể chế liên kết vùng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.
Với đặc thù về vị trí cũng như vai trò của Thủ đô Hà Nội đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, với kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua, các nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị, đề xuất của TP. Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết nghiên cứu, tổng hợp vào Báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới.
“Nghị quyết mới nếu được ban hành, sẽ cùng với Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là định hướng, cơ sở chính trị quan trọng cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước”- Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hà Nội ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển đặc biệt quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. |
Theo congthuong.vn