Hà Nội: Chi 1.000 tỷ xây dựng 600 nhà chờ xe buýt tiêu chuẩn châu Âu
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt theo hình thức PPP và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận huyện trên địa bàn Hà Nội theo hình thức đối tác công tư.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải, dự kiến thành phố sẽ đầu tư, xây dựng và lắp đặt 600 nhà chờ xe buýt đạt tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình. Lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2 m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng trong 7 năm, thời gian hoạt động là 20 năm và được đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: "Mục tiêu sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ cho xe buýt sẽ đáp ứng yêu cầu về mỹ quan đô thị. Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay".
Đồng thời, việc xây dựng đồng bộ nhà chờ còn tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, sắp xếp bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường một cách khoa học, đồng bộ, hiện đại và văn minh.
Về hình thức đầu tư theo PPP, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho hay, nhà đầu tư sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình. Sau đó, thực hiện kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với công nghệ hiện đại. Trong quá trình vận hành khai thác, đối với các trang thiết bị và công nghệ cao ngoại nhập, thành phố sẽ được hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như tổ chức nghiên cứu để sản xuất ở Việt Nam (sau 3 - 5 năm khai thác). Sở GTVT tính toán, nhà đầu tư sẽ hoàn vốn trong khoảng 20 năm khai thác và loại hợp đồng mà Sở GTVT đề xuất là hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). |
Dung Hoàng