Hà Nội: Chính thức dừng hoạt động 22 chốt kiểm soát cửa ngõ
Ngày 20/10, UBND TP Hà Nội ban hành công điện hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
- Sở GD&ĐT Hà Nội: Rút đề xuất 4 phương án cho học sinh trở lại trường
- Vietcombank hợp tác triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã QR cho Công an TP Hà Nội
- Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Kết nối thị trường để thúc đẩy tăng trưởng
- Đề xuất tăng tần suất bay Hà Nội - TP.HCM lên 6 chuyến khứ hồi/ngày
- Hà Nội mở lại các kỳ sát hạch cấp Giấy phép lái xe từ ngày 20/10
Ảnh: minh họa
Hà Nội giao CA Thành phố dừng hoạt động các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra/vào Thủ đô. Trước đó, từ 6h ngày 14/7, CA TP. Hà Nội thiết lập 22 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào Thủ đô, chia làm 6 cụm. Các loại giấy tờ mà người qua chốt cần phải xuất trình gồm giấy xác nhận xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ, giấy đi đường hoặc giấy xác nhận ra vào Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ công vụ, chống dịch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao CA TP chủ trì, phối hợp các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở và tại các địa bàn, khu vực cách ly y tế; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là hành vi chống lại lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
CA TP chủ trì, phối hợp Sở Y tế, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giám sát, kiểm soát y tế đảm bảo việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với các tổ chức, cá nhân liên quan tại các sân bay, nhà ga, bến xe và các tuyến giao thông cửa ngõ trên địa bàn Thành phố theo quy định, đặc biệt đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
Ngoài ra, cập nhật thông tin quản lý việc cư trú, thông tin y tế và di biến động của người dân trên địa bàn, gửi báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố; đặc biệt giám sát y tế đối với người về từ các khu vực, địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Sở Y tế tổ chức hướng dẫn, triển khai kịp thời việc công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) thuộc Thành phố và các biện pháp áp dụng tương ứng. Duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành Y tế.
Khi phát hiện ca F0 cần tiếp tục thực hiện khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, thần tốc xét nghiệm, trả kết quả trong thời gian ngắn nhất, truy vết, bóc tách F0 đưa đi đ.iều trị, F1 đi cách ly tập trung để nhanh chóng kiểm soát, dập dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Hà Nội tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm vaccine, ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, công nhân các khu công nghiệp, chế xuất, lực lượng shipper, vận chuyển, giáo viên, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị... Thành phố sẽ tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo được giao căn cứ hướng dẫn của các đơn vị liên quan, tham khảo ý kiến của đại diện ban phụ huynh học sinh để khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai kịp thời các hoạt động tương ứng cấp độ dịch.
Tính đến ngày 20/10, Hà Nội đã qua 12 ngày không có ca mắc mới cộng đồng. Số ca mắc mới trong 10 ngày qua dao động 5-15 ca và đều là các ca trong khu vực phong toả hoặc đã được cách ly.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) 4.125 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.519 ca.
Hoàng Hằng (T/h)