Hà Nội đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn
TP Hà Nội tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể cùng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
- Năm 2023, Hà Nội sẽ thanh tra dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại 7 quận, huyện
- Bộ KH&CN sắp vận hành Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội
- Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 250.000 cây bóng mát trên các tuyến đường giao thông
Chiều 8/2, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 07) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; Cùng các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các đơn vị liên quan.
Hà Nội chủ động tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Qua báo cáo tại hội nghị có thể thấy, phần lớn các đơn vị được giao chủ trì các nhiệm vụ trong Chương trình 07 đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai nhiệm vụ được giao. Trong đó, đa số chương trình, đề án, kế hoạch triển khai đã được ban hành hoặc được đơn vị chủ trì hoàn thiện, trình UBND TP.
TP Hà Nội tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể cùng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thành đoàn Hà Nội đã chủ động tổ chức được nhiều hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho thanh niên, học sinh, sinh viên TP.
Cùng với đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng tăng trưởng, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng dần.
Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân Thủ đô và xuất khẩu...
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng, ban hành một số đề án, kế hoạch, chuyên đề còn chậm so với tiến độ đề ra (6 nhiệm vụ chưa trình UBND TP). Việc hoàn thiện dự thảo sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP còn chậm (4 nhiệm vụ đã trình UBND thành phố, đang hoàn thiện). Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tại các quận, huyện còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí.
Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình trong năm qua; Đồng thời làm rõ thêm những vướng mắc trong thực hiện 6 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Qua trao đổi thảo luận, Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị tăng tính chủ động, phối hợp, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án thuộc Chương trình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, Hà Nội có tiềm lực rất lớn về khoa học công nghệ, việc trước mắt là cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, tập trung giải quyết ngay các vướng mắc.
TP cần tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh. Do đó, về cách làm, ngoài triển khai một cách đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp thì nên tập trung vào vấn đề dân sinh bức xúc, những việc trước mắt có thể làm ngay; Có cơ chế huy động các chuyên gia, nhà khoa học và đổi mới phương thức đặt hàng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn lưu ý sản phẩm khoa học cần tập trung vào các nội dung: Mô hình chính quyền Thủ đô; Mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô...
Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tại một số đơn vị sao cho hiệu quả, thiết thực, gắn với thực tế
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình 07 với kết quả đạt được khá tích cực.
Trong đó, TP đã có nhiều đề án, kế hoạch về chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học từng bước gắn với nhu cầu thực tế và theo đơn “đặt hàng” của các địa phương; Đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong các trường đại học.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi triển khai các đề án trong Chương trình 07, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, nguyên nhân chính là sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương đối với các đề án của Chương trình cũng như sự phối hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo còn hạn chế.
Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 07 đề nghị trong năm 2023 này các đơn vị liên quan chú trọng phối hợp triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như quy hoạch về khu công nghệ cao của TP.
Các thành viên trong Ban Chỉ đạo chú trọng đến các giải pháp, kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện Chương trình 07 đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP Hà Nội gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hình thành và đưa vào vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp thành phố Hà Nội; Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô - Techfest Hanoi 2023 và một số sự kiện kết nối cung - cầu trong nước cũng như khu vực.
Đồng thời, rà soát, đánh giá một số đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện lĩnh vực khoa học công nghệ sao cho hiệu quả, thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Uyên Thư (T/h)