Hà Nội: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong quản lý thuế hiệu quả

09:00, 07/07/2024

Sau khi Đề án 06 được triển khai, về cơ bản Hà Nội đã có được nguồn dữ liệu định danh, kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư với thông tin quản lý của các ngành nói chung và ngành Thuế nói riêng, là tiền đề triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.

Trong triển khai Đề án 06, một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế có thể kể đến như: đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là mã số thuế; nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính nhằm chống thất thu thuế, thất thu ngân sách.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an để triển khai việc kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID) và sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành Thuế, Hải quan.

Hiện các nhiệm vụ đang được ngành thuế triển khai tích cực, đồng bộ và đã ghi nhận những hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06, đồng thời, hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế để bảo đảm đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế TP. Hà Nội đã triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân. Tính đến nay, Cục Thuế TP. Hà Nội đã hoàn thành 99,9% việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân theo Đề án 06.

Bên cạnh đó, ngành thuế Hà Nội cũng tập trung rà soát nhận diện và xác định các mô hình kinh doanh thương mại điện tử. Tiếp cận hoạt động theo các nền tảng phổ biến hiện nay để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp như Shopee, Lazada, Facebook, Zalo, Tiktok,...

Ngoài ra, triển khai thiết lập kho cơ sở dữ liệu riêng (website) quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử nhằm xác định dòng tiền để triển khai các giải pháp thu thập, quản trị thông tin như danh bạ 316 doanh nghiệp là chủ sàn đăng ký do Bộ công thương cung cấp; dữ liệu của 193 chủ sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp theo Nghị định 91; nguồn dữ liệu thu thập qua công tác thanh tra kiểm tra các Sàn thương mại điện tử lớn như Shopee 8.000.000 bản ghi, Tiki 763.000 bản ghi, Lazada 1.800.000 bản ghi… Cùng với đó là xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ khai thác các tiêu chí quản lý nhằm giúp cơ quan Thuế các cấp phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro, áp dụng biện pháp quản lý thuế. 

Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cũng là nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội chú trọng. Nhờ đó việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Thuế là 100% với doanh nghiệp và 88,7% với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. 

Hiện tại, để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi nhất và góp phần thực hiện mục tiêu "Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025" và "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, tiếp tục triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế thông qua mở rộng ứng dụng eTax trên nền tảng Web sang ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile).

Khi ứng dụng eTax Mobile được triển khai tại Hà Nội, người dân đã ngay lập tức cài đặt và sử dụng. Đây là một kênh dịch vụ nằm trong nền tảng tích hợp của ngành Thuế cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh… tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn, bảo mật. Cài đặt ứng dụng nộp thuế điện tử (Etaxmobile) là 96.781 tài khoản Etax Mobile, tăng 56.097 tài khoản, tỷ lệ tăng 138% so với thời điểm 31/5/2023.

Hà Nội: Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong quản lý thuế hiệu quả- Ảnh 2.

Người dân sử dụng ứng dụng eTax Mobile trong việc kê khai và nộp thuế. Ảnh minh họa, internet

Với ngành thuế, công tác thanh tra kiểm tra cũng được xác định là then chốt, mũi nhọn. Tính đến ngày 21/6, ngành thuế Hà Nội đã hoàn thành kiểm tra 1.683 tổ chức, cá nhân, đạt 70,77%, tăng thu: 142 tỷ đồng, giảm khấu trừ: 3,86 tỷ đồng, giảm lỗ: 12,94 tỷ đồng… 

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, hiện hầu hết thiết bị điện tử đã đi vào cuộc sống người dân. Trong quá trình triển khai thuế điện tử, vẫn còn một số lượng thuộc đối tượng hộ kinh doanh, hộ nộp thuế phi nông nghiệp còn hạn chế trong sử dụng các thiết bị tiên tiến. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là khó khăn nhất thời, không ảnh hưởng nhiều đến công tác triển khai khi mà ngành Thuế vẫn đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng, đặc biệt là các tiện ích trong việc tra cứu, nộp thuế giúp người dân chủ động, dễ dàng nộp thuế hơn.

Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành thuế nói riêng và hoạt động tài chính nói chung đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. 

Cục Thuế TP. Hà Nội cho rằng, với sự đồng thuận của người nộp thuế, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, đáp ứng mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số.

Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị

(https://doanhnghieptiepthi.vn/ha-noi-day-manh-trien-khai-de-an-06-trong-quan-ly-thue-hieu-qua-161240705144254004.htm)