Hà Nội kiến nghị xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải xe buýt, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và TP.Hà Nội đề nghị hàng loạt giải pháp gỡ.
Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp buýt.
Theo đó, Hiệp hội này đề nghị UBND TP.Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý I/2020 đồng thời điều chỉnh sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Hiệp hội cũng đề nghị ưu tiên xây dựng 14 tuyến đường dành riêng cho xe buýt nhằm cải thiện điều kiện vận hành xe buýt, tăng lợi thế về vận tốc, về độ an toàn để thu hút hành khách sử dụng xe buýt, giảm phương tiện cá nhân, giảm rối loạn và tắc nghẽn giao thông.
Trong số 14 tuyến đường đề xuất ưu tiên triển khai, có 4 tuyến đường trục chính đủ điều kiện đã được nghiên cứu trong giai đoạn 2019-2020, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) dài 5km; tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt dài 4,7km; tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9km; tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm dài 9,6km.
10 tuyến còn lại thực hiện theo Kế hoạch số 201/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 16-10-2020 về phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn từ năm 2021-2030.
Cụ thể, 5 tuyến đường tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2021-2025 (tổng cộng 22,6km) gồm: Tuyến đường Hoàng Quốc Việt (2,5km); Trần Duy Hưng (1,7km); Xã Đàn (1,7km); Võ Chí Công (4,7km); Võ Văn Kiệt (12km).
5 tuyến đường nghiên cứu tổ chức làn ưu tiên trong giai đoạn 2026-2030 (tổng cộng 82,3km) gồm: Nhổn - Hồ Tùng Mậu (5km); Ngọc Hồi - Bến xe Thường Tín (9,3km); Trần Duy Hưng - Hòa Lạc (27km); Mỹ Đình - sân bay Nội Bài (25km); Thường Tín - Phú Xuyên dọc theo quốc lộ 1 cũ (16km).
Liên quan đến đề nghị cấp kinh phí cho các tuyến buýt đặt hàng quý 1/2020, thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, 68 tuyến buýt Hà Nội đang thực hiện đặt hàng năm 2019 phải chuyển sang hình thức đấu thầu trong năm 2020.
Do phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lựa chọn và dự thầu với nhiều bước, tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, để đảm bảo dịch vụ vận tải hành khách công cộng được liên tục, Ủy ban Nhân dân TP.Hà Nội cho phép 68 tuyến buýt tiếp tục hoạt động ổn định, bình thường từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2020 (đến khi lựa chọn được nhà thầu theo quy định).
Tuy nhiên, gần hết năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa được thanh toán khoản trợ giá từ quý đầu năm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, chỉ riêng 68 tuyến chưa được thanh toán trong 3 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang phải đi vay ngân hàng hơn 200 tỉ đồng.
“Với lãi suất vốn vay từ 7 đến 8%/năm, nếu thành phố không sớm có giải pháp tháo gỡ, áp lực vận hành đang đè nặng trên vai các doanh nghiệp buýt và nguy cơ nhiều tuyến buýt phải tạm ngừng hoạt động là điều hoàn toàn có thể xảy ra,” ông Thông nhìn nhận.
Thiên Thanh (T/h)