Hà Nội nêu nhiều giải pháp để đáp ứng trường học khu vực nội đô

11:52, 10/11/2023

UBND TP. Hà Nội tiếp tục giao Sở GD&ĐT chủ trì rà soát tình hình thiếu trường lớp để bổ sung mạng lưới trường học; đồng thời, nêu nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu trường lớp cục bộ tại các quận nội đô.

UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI. Trong đó, một trong những nội dung cử tri quan tâm là vấn đề xây dựng trường học tại nội đô.

Cử tri đề nghị có giải pháp đầu tư xây dựng mới các trường Tiểu học, THCS, THPT công lập tại các quận nội thành có đông học sinh; có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các trường dân lập; ưu tiên dùng các khu đất của các nhà máy di dời tại nội thành để xây dựng trường học.

UBND TP. Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021-2023 Thành phố đã xây mới, thành lập mới 113 trường học các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập. Thành phố luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp trường học, với mục tiêu đảm bảo chỗ học phục vụ con em nhân dân và phấn đấu xây dựng 80-85% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.

HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết, theo đó, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025 bố trí trên 20.526 tỷ đồng đầu tư 648 dự án trường học. Giai đoạn 2021-2025, Thành phố dự kiến xây dựng mới 16 trường Trung học phổ thông và 07 trường liên cấp tiên tiến hiện đại. Đến hết năm 2022 đã hoàn thành đầu tư đưa vào sử dụng 3 trường THPT (gồm: THPT Minh Hà huyện Thạch Thất, THPT Thọ Xuân huyện Đan Phượng, THPT Việt Hưng quận Long Biên). Toàn Thành phố đến năm học 2023-2024 có 13 trường học mới được bàn giao đưa vào giảng dạy.

UBND Thành phố tiếp tục giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát tình hình thiếu trường lớp để bổ sung mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổng hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đề xuất giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu trường lớp cục bộ tại các quận nội đô và khu vực đông dân cư, trong đó có giải pháp ưu tiên bố trí quỹ đất của các nhà máy, trường đại học cao đẳng phải di dời ra khỏi nội đô để xây dựng trường học.

Hiện nay, việc đầu tư xây dựng các trường học từ mầm non đến THPT đã được Thành phố phân cấp cho các quận, huyện, thị xã; do vậy, các đơn vị cần chủ động rà soát quỹ đất, ưu tiên lập kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thuộc địa bàn quản lý.

Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện đầu tư xây dựng trường học.

Trong thời gian tới Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện đầu tư xây dựng trường học, đặc biệt tại các quận nội thành đáp ứng chỗ học cho các em học sinh.

Theo đó, giải pháp 1 là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Giải pháp 2 là tiếp tục rà soát các ô đất tại các khu đô thị, khu đông dân cư đã được quy hoạch xây dựng trường học nhưng nhà đầu tư chậm triển khai, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp; tham mưu UBND Thành phố thu hồi giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.

Giải pháp 3 là tiếp tục thực hiện phát triển hệ thống mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch chung của Thủ đô.

Giải pháp 4 là ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường Cao đẳng và trường Đại học ra khỏi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Giải pháp 5 là tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn Thành phố nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Đến nay, Hà Nội có 577 trường tư thục các cấp (mầm non 340 trường, tiểu học 48 trường, THCS 39 trường, THPT 110 trường, trường có vốn đầu tư nước ngoài 40 trường) với tổng số 311.401 học sinh; số trường tư thục chiếm 20,3% (577/2.840 trường) và số học sinh chiếm 14,3% (311.401/2.177.000 học sinh).

Các trường tư thục đang hoạt động đã góp phần giải quyết công văn việc làm cho khoảng 40 nghìn giáo viên, nhân viên với mức thu nhập và các chế độ, chính sách ưu đãi tương đương hoặc cao hơn mức thu nhập tại các trường công lập.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

(https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-neu-nhieu-giai-phap-de-dap-ung-truong-hoc-khu-vuc-noi-do-103231110151327389.htm)