Hà Nội sẽ thận trọng thí điểm chính quyền đô thị

09:30, 01/07/2021

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn, thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 1.7.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: XH Quang cảnh hội nghị. Ảnh: XH

Ngày 15.4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Ánh Dương cho biết, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP gồm các nội dung: Tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác…

Đáng chú ý, Nghị định quy định biên chế công chức phường thuộc biên chế công chức thuộc UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Theo đó, cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường, trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và các công chức văn phòng - thống kê, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường, các công chức khác của phường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, Nghị định cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, khác với Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND ở cấp phường. Đối với cấp xã, quận, huyện, thị xã vẫn giữ HĐND – như một cấp chính quyền. Hà Nội tiến hành tổ chức chính quyền đô thị một cách thận trọng. Sau này sẽ có tổng kết, báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét có nên mở rộng hơn hay không.

Nêu ra một số nội dung tại hội nghị quan trọng như cán bộ đang là bí thư, phó bí thư, trưởng các đoàn thể đang là công chức phường sắp tới có được chuyển thành công chức của quận không? Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: "Chúng tôi mong Bộ Nội vụ sớm trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để sớm có hướng dẫn cụ thể".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XHPhó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: XH

Bà Tuyến đề nghị Bộ Nội vụ cùng thành phố sớm giao biên chế bổ sung cho các quận; có quy định khung bộ máy các phường; sớm quy định chế độ công vụ khi chuyển về công chức quận.

“Thành ủy sẽ sớm làm việc cùng Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn về các vấn đề băn khoăn. Thành ủy cũng sẽ chỉ đạo Đảng đoàn HĐND TP sớm ban hành chính sách liên quan đến việc chuyển tiếp ngân sách, chính sách với cán bộ dôi dư; chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể TP chỉ đạo cấp cơ sở ở 175 phường, tăng cường giám sát, phát huy dân chủ cơ sở với quy chế hoạt động rõ ràng”, bà Nguyễn Tuyến nói.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý các đơn vị thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là từ 1.7, các đơn vị cần tập trung quán triệt, thực hiện khẩn trương đúng lộ trình mà kế hoạch đã đề ra, nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cán bộ cơ sở, song hành với đảm bảo nhiệm vụ quan trọng là tổ chức thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Theo/laodong.vn