Hà Nội: Thu thuế qua thương mại điện tử tăng gấp gần 5 lần so với 2019
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, năm 2020, số thu từ các hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử đã tăng gần gấp 5 lần so với năm 2019, đạt 123 tỷ đồng.
Từ ngày 1/7/2020, Luật quản lý Thuế 2019 chính thức có hiệu lực, lần đầu tiên, quy định về quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử được đưa vào Luật với các quy định chặt chẽ. Qua đó, trong năm 2020, việc quản lý thuế đối với loại hình thương mại điện tử đã khởi sắc và dần đi vào khuôn khổ.
Theo báo cáo từ cục Thuế TP. Hà Nội, năm 2020, số thu từ các hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử đã tăng gần gấp 5 lần so với năm 2019 đạt 123 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2019, chỉ thu được 25 tỷ đồng thì năm 2020 thu được 123 tỷ đồng.
Điển hình, có 3 cá nhân tự nguyện đến kê khai, nộp thuế với số thuế trên 7 tỷ đồng, trong đó, một cá nhân kinh doanh online có doanh thu lên tới trên 300 tỷ đồng đã đến đăng ký kê khai và nộp thuế trên 23 tỷ đồng tại Chi cục Thuế Cầu Giấy.
Bên cạnh đó, các cá nhân kinh doanh online có thu nhập qua Google, Facebook, Youtube đều cũng đã tự nguyện thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại các chi cục thuế quận, huyện, thị xã.
Số thuế thu từ các hoạt động thương mại điện tử tăng cao, còn có nhiều cá nhân tự kê khai và nộp thuế lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian qua kinh doanh online đã phát triển mạnh mẽ, đơn vị đã triển khai nhiệm vụ quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử từ năm 2017.
Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động và thu nhập từ các nền tảng như Google, Facebook, Youtube nhưng vẫn chưa kê khai và nộp thuế. Sau khi Luật quản lý Thuế 2019 có hiệu lực, cơ quan Thuế các cấp đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng để có cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh và nguồn thu nhập phát sinh của các tổ chức, cá nhân này.
Từ kết quả thu thập dữ liệu, đơn vị đã thực hiện rà soát tại địa bàn, phân loại được các trường hợp thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ thuế, trường hợp nào chưa phải thực hiện thuộc diện kê khai, quản lý. Qua đó, cơ quan Thuế tiến hành gửi giấy mời các cá nhân trên đến cơ quan thuế để thực hiện kê khai.
Tính đến cuối năm 2020, đã xác định có khoảng trên 2.000 cá nhân thực hiện các hoạt động cung cấp sản phẩm ứng dụng/sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store..., thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Đối với hoạt động bán hàng online, Cục Thuế TP. Hà Nội đang đồng thời xây dựng dữ liệu về các cá nhân, tổ chức bán hàng online thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng để xác định các cá nhân, tổ chức bán hàng online.
Cũng thông qua công tác rà soát, phối hợp, cục Thuế TP. Hà Nội tiến hành thu thập thông tin, xác định danh tính bên cho thuê nhà thông qua ứng dụng như Agoda, Booking.com, Airbnb..., từ đó xây dựng, phân tích dữ liệu, hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế. Tính đến thời điểm này số thuế cá nhân đã nộp NSNN gần 94 tỷ đồng.
Thời gian tới, cục Thuế TP. Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại, sàn thương mại điện tử để xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Đối với các trường hợp được cục thuế thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ nhưng vẫn cố tình không kê khai, nộp thuế thì sẽ bị thanh kiểm tra, xử phạt đối với hành vi trốn thuế theo quy định. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra, khởi tố...
PV (T/h)