Hà Nội: Triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022
Ngày 18/2, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai công tác cải cách hành chính năm 2022.
- Đã có 55/63 tỉnh thành sử dụng Zalo trong cải cách hành chính
- Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính
- Thành phố triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính
- Bộ Tài chính Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2020
Quang cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS), giai đoạn 2021 - 2025, cùng một số lãnh đạo sở, ban, ngành thành phố.
Báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính năm 2021, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, thời gian qua, mặc dù phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác cải cách hành chính của thành phố đã đạt một số kết quả tích cực, nổi bật. Cùng với đó, thành phố đã tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, giúp bộ máy chính quyền các quận và thị xã Sơn Tây gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Đến nay, thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm 1.473 biên chế công chức (tương đương 15,6%); giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (tương đương 10%) so với năm 2015.
Với kết quả đó, Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố năm 2020 có sự chuyển biến rõ rệt: Chỉ số PAR Index nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước (xếp thứ 8/63); Chỉ số SIPAS tăng 19 bậc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 11 bậc.
Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của thành phố vẫn còn một số hạn chế khi hệ thống phần mềm “một cửa” dùng chung 3 cấp hoạt động chưa ổn định, ảnh hưởng tới việc xử lý số liệu của các cơ quan, đơn vị; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị vẫn chưa đồng đều; kết quả giải quyết một số hồ sơ thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức…
Đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong công tác cải cách hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu… Bên cạnh đó, thành phố cần rà soát lại chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức để bảo đảm thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.
Về xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, Hà Nội có lợi thế về kinh phí và nguồn lực nên cần thực hiện tốt hơn nữa. Trước mắt, thành phố cần đẩy nhanh việc thực hiện chữ ký số, nghiên cứu các giải pháp cải thiện các chỉ số PAR Index, SIPAS…
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, với vị trí, vai trò là thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về cải cách hành chính. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thành phố sẽ linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức để hướng tới việc hoàn thành và về đích sớm các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định.
Để triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố năm 2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index và SIPAS giai đoạn 2021 - 2025; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ. Đồng thời, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã cần lập đoàn kiểm tra công vụ theo hình thức đột xuất, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận được chỉ ra từ lần kiểm tra trước.
Cùng với đó là tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức và doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan tới giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của cấp huyện và cấp xã. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn, cần tập trung triển khai thực hiện đúng, đủ các quy định về Quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai sáng tạo các giải pháp góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính của chính quyền.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh giao Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND thành phố tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND thành phố tại các cuộc họp giao ban hằng tháng của tập thể UBND thành phố; đồng thời xác định rõ trách nhiệm cá nhân, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xem xét hình thức xử lý trách nhiệm gắn với việc đánh giá, xếp loại hằng tháng của thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành…/.
Như Ý (T/h)