Hà Nội: Ứng dụng nền tảng hỗ trợ quản lý xét nghiệm Covid-19 tại 13 huyện
Sở TT&TT Hà Nội vừa đề nghị 13 huyện thuộc vùng 2 và vùng 3 phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, để triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.
Ngày 8/9, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho người dân một cách an toàn, hiệu quả nhằm phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch và chăm sóc, điều trị phù hợp.
Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng được thành phố thực hiện theo 3 vùng 1, 2, 3 như phân vùng tại Chỉ thị 20 ngày 3/9 của Chủ tịch UBND thành phố để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất và mức độ nguy cơ của dịch trong đợt giãn cách thứ 4.
Đáng chú ý, tại kế hoạch mới ban hành, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở TT&TT tổ chức phối hợp với đơn vị liên quan áp dụng nền tảng CNTT thực hiện quét dữ liệu, nhập dữ liệu mẫu xét nghiệm theo quy định, trước mắt đối với vùng 2 và vùng 3.
Thực hiện nhiệm vụ này, ngay trong chiều ngày 8/9, Sở TT&TT Hà Nội đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND 13 huyện thuộc các vùng 2, 3 gồm: Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên và Ba Vì về việc phối hợp triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.
Sở TT&TT Hà Nội cũng đã chuyển danh sách các đầu mối của Sở và Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 tới các huyện để phối hợp triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến tại địa phương.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở TT&TT, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đẩy mạnh triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Sở TT&TT và Sở Y tế được yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai 2 nền tảng: Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người vào ra địa điểm công cộng bằng quét QR Code, quản lý tiêm chủng Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Bộ TT&TT và UBND thành phố.
Riêng với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, UBND thành phố khi đó cũng đã giao Sở TT&TT chủ trì, thống nhất với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khẩn trương thí điểm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc, trước khi báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định triển khai diện rộng.
Trong đó, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử là 1 trong 3 nền tảng công nghệ đã được 2 Bộ Y tế và TT&TT đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thống nhất trong phòng chống dịch dịch Covid-19, cùng với 2 nền tảng khác là nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người vào ra địa điểm công cộng bằng quét QR Code và nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử đã giúp tiết kiệm thời gian lấy mẫu xét nghiệm, người dân được trả kết quả online.
Là một trong những nền tảng được Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia phát triển, nền tảng công nghệ này hỗ trợ nhân viên y tế trong quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, khắc phục tình trạng chờ đợi khi xét nghiệm, lấy mẫu và trả kết quả chậm, giảm tải cho đội ngũ y tế đang phải thao tác thủ công trong khi lấy khối lượng mẫu lớn.
Theo ước tính, việc triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, giúp tiết kiệm được 50%, so với thời gian thực hiện bằng phương pháp thủ công trước đây. Kết quả xét nghiệm sẽ được gửi về trên ứng dụng di động, người dân sẽ không phải quay lại để lấy kết quả giấy, tránh được tụ tập đông người.
Thời gian vừa qua, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia đã phối hợp triển khai Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến tại một số địa phương như Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngoài ra, còn có 26 địa phương khác cũng đang trong quá trình tập huấn để chuẩn bị triển khai.
Kết quả bước đầu cho thấy, một số địa phương đã triển khai dữ liệu xét nghiệm tốt và có hiệu quả, điển hình là tỉnh Tây Ninh. Trên 90% dữ liệu kết quả xét nghiệm của Tây Ninh được số hóa trên nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử, sẵn sàng chia sẻ và sử dụng.
Tính đến 17h ngày 6/9, tổng số mẫu nhập vào hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến là 2.116.252. Tổng số kết quả xét nghiệm của các tỉnh được trả cho người dân qua ứng dụng Bluezone là 773.310.
Minh Thùy (T/h)