Hà Nội yêu cầu tiếp tục kiên định các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19
Kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội với Ban Chỉ đạo quận huyện về công tác phòng, chống dịch vừa diễn ra trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục kiên định các giải pháp phòng, chống dịch mà thành phố đã đặt ra.
- Bộ trưởng Y tế yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp chống dịch Covid-19 dịp cận Tết
- Nghiêm cấm mọi hành vi tư lợi trong mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch
- Bến xe Giáp Bát: Ứng dụng công nghệ trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch
- Tăng cường triển khai phòng, chống dịch Covid-19 dịp cuối năm
- Vĩnh Phúc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Ông Chử Xuân Dũng khẳng định, ý thức người dân rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; có giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả nhất từng nội dung trong công thức: "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân".
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương thống nhất thực hiện "đúng vai", theo đúng phân cấp, phân quyền; vào cuộc nghiêm túc hơn, không trông chờ vào thành phố; đảm bảo từ cơ sở các phần việc quan trọng như: mua sắm thuốc, kit test COVID-19. Đồng thời, Phó Chủ tịch cho biết, thành phố sẽ tập trung cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 3.
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên dán Nhâm Dần theo đúng Chỉ thị 35/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đúng quy trình quản lý bệnh nhân COVID-19; các đơn vị điều chỉnh lại cách điều hành, phân bổ nhân lực đáp ứng công tác chăm sóc bệnh nhân COVID-19, không để quá tải…
Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế báo cáo hàng ngày tiến độ từng địa phương; tăng cường đôn đốc việc tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải cập nhập kịp thời dữ liệu người nhiễm COVID-19 mới vào phần mềm quản lý của Thành phố: "Trên hệ thống còn ghi nhận được phản ánh của người dân. Lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm này vào smartphone; tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Phần mềm thiết lập rồi mà các địa phương không vào cuộc thì vô ích".
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân F0 tại nhà, trong đó, tập trung quản lý rủi ro để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, tình trạng tử vong.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ vaccine cho người dân, trong đó có mũi bổ sung và nhắc lại để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong.
Bà Hà cũng đề nghị các huyện có điều kiện cơ sở vật chất thì cần tăng cường điều trị F0 tại nhà, đồng thời, bảo đảm việc tiếp cận dịch vụ y tế cho các bệnh nhân F0 này.
Ngoài ra, Sở Y tế đã làm việc với các Trung tâm y tế các quận, huyện và đề nghị một số địa bàn "nóng" như: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai có giải pháp cụ thể như mở thêm nhiều cách tiếp cận: bổ sung thêm số điện thoại, các nhóm zalo để người dân liên hệ dễ dàng hơn…; các quận, huyện tăng cường quản lý nhà nước về thiết bị y tế cũng như kinh doanh dược phẩm trên địa bàn thành phố để tránh tình trạng người dân tự ý mua thuốc điều trị COVID-19.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 13/1/2022 đến 18 giờ ngày 14/1/2022, Hà Nội ghi nhận 2.993 ca nhiễm mới SARS-CoV-2.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (197); Bắc Từ Liêm (194); Long Biên (189); Đống Đa (184); Hoàng Mai (180); Nam Từ Liêm (178).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 85.577 ca.
Như Ý (T/h)