Hạ tầng cố định băng rộng đa dịch vụ: Xu hướng của tương lai

20:00, 11/04/2013

Ngày 9/4/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã có chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Sở TT&TT Hòa Bình, Bưu điện tỉnh Hòa Bình và Viễn thông Hòa Bình.

Doanh nghiệp BCVT đã góp phần giảm lạm phát


Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, các doanh nghiệp BCVT trên địa bàn đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp đã thúc đẩy nhiều người được sử dụng những dịch vụ viễn thông, thậm chí không ít người dân nông thôn cũng sở hữu điện thoại di động. Hiện tại Hòa Bình đã đạt tới 92 thuê bao điện thoại (các loại)/100 dân. Thời gian qua, các doanh nghiệp BCVT đã làm tốt công tác kiềm chế lạm phát, chống tăng giá.

Theo ông Bùi Văn Tỉnh, Hòa Bình đã có hệ thống họp trực tuyến với Chính phủ và các huyện. Hệ thống hội nghị truyền hình này tác động tích cực đến công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh một cách nhanh chóng, điển hình là các sự kiện phòng chống lụt bão.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành TT&TT. Bộ trưởng cho biết, sắp tới Bộ TT&TT sẽ triển khai chương trình đưa thông tin về cơ sở và chương trình Viễn thông công ích để phát triển hạ tầng vùng, sâu vùng xa. Trong đó, Hòa Bình sẽ là một trong những địa phương phải làm mạnh các chương trình đó.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, viễn thông vẫn là ngành "ngẩng cao đầu" thắng trên sân nhà và liên tục giảm giá dịch vụ cho người dùng, đồng thời cũng là ngành đi đầu thực hiện cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt.

Sẽ có chính sách hỗ trợ điểm BĐVHX

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã làm việc với Bưu điện tỉnh Hòa Bình. Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hải - Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình cho biết, năm đầu khi tách ra khỏi VNPT người lao động cũng có tư tưởng nặng nề. Tuy nhiên, sau đó Bưu điện đã thực hiện cơ chế khoán, tăng thêm thu nhập cho nhân viên, vì vậy người lao động đã phấn khởi hơn. Bưu điện tỉnh Hòa Bình đang thực hiện nhiều giải pháp trong kinh doanh như bán bảo hiểm tự nguyện cho người dân và chi bảo hiểm xã hội qua Bưu điện. Sắp tới Bưu điện có thể phối hợp với Công an để thu phí vi phạm giao thông.

Đại diện Bưu điện tỉnh kiến nghị Bộ TT&TT nên làm việc với Bộ Công an nhằm tạo điều kiện cho cả hệ thống Bưu điện có thể thu phạt vi phạm giao thông tại các điểm BĐVHX, đem lại sự thuận lợi cho người dân. Đồng thời, cần sớm có chính sách cho điểm BĐVHX vì các điểm này đang xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận đề xuất của Bưu điện tỉnh và đánh giá cao sáng kiến của Bưu điện tinh hướng tới cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích cho nhân dân. Bộ trưởng cho biết, sắp tới sẽ chi trả bảo hiểm xã hội qua hệ thống bưu điện với kinh phí khoảng 180 tỷ đồng/năm giúp VNPost tăng thêm doanh thu. Sắp tới, Ngân hàng Liên Việt có thể bỏ ra 200 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp điểm BĐVHX phục vụ cho việc mở rộng mạng lưới của ngân hàng này.

VNPT địa phương phải phát triển hạ tầng cố định băng rộng

Chiều ngày 9/4/2013, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã thăm và làm việc với Viễn thông Hòa Bình. ÔngTrịnh Minh Hùng, Giám đốc Viễn thông Hòa Bình phản ánh, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thị trường viễn thông - CNTT như giá cước giảm và yêu cầu khách hàng ngày càng cao. Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định đang giảm mạnh vì xu hướng chuyển sang dùng điện thoại di động. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ băng rộng có tăng nhưng không bù đắp được phần sụt giảm từ doanh thu điện thoại cố định.

Theo ông Hùng, nếu như trước đây, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (APRU) cố định là hơn 60.000 đồng/tháng thì hiện nay chỉ còn hơn 30.000 đồng/tháng. Thậm chí, tại nhiều nơi do địa hình xa xôi nên việc duy trì dịch vụ này đang lỗ. Doanh thu từ dịch vụ di động vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên nếu tách di động ra thì Viễn thông Hòa Bình không thể cân bằng thu chi.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá cao nỗ lực của Viễn thông Hòa Bình, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải như gánh nặng nhân lực đông, độ tuổi cao - đây cũng là đặc thù chung của nhiều viễn thông tỉnh thành thuộc VNPT. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ cố định vốn là chủ lực lại giảm mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng cho dù dịch vụ điện thoại cố định giảm, nhưng hạ tầng cố định băng rông sẽ là tương lai, do đó phải phát triển hạ tầng cố định để cung cấp cho khách hàng. Sắp tới, Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng băng rộng đa dịch vụ cho các vùng công ích. Viễn thông công ích không làm theo kiểu "cho con cá" nữa mà xây dựng hạ tầng băng rộng đến vùng sâu vùng xa nhằm đem lại dịch vụ tiện ích cho người dân muốn sử dụng dịch vụ.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, Cơ chế 46 của VNPT đang tạo điều kiện cho các đơn vị khó khăn như Viễn thông Hòa Bình song lại là trở ngại cho các đơn vị khác trong cùng Tập đoàn. Vì vậy, cần tổ chức lại các đơn vị của VNPT trong bối cảnh tiến tới cổ phần hóa những doanh nghiệp này, trong quá trình tái cơ cấu phải xây dựng chính sách cho cán bộ dôi dư. Bộ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu VNPT trên cơ sở áp dụng kỷ luật thị trường, thoái vốn kinh doanh ngoài ngành, tập trung vào ngành nghề chính. Bộ trưởng nhấn mạnh: tái cơ cấu là bài toán khó song phải kiên quyết thực hiện để làm cho VNPT mạnh lên, vừa duy trì hoạt động cho các viễn thông tỉnh song vẫn phải đảm bảo yếu tố thị trường.

Cũng tại buổi làm việc với Viễn thông Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận định, nếu VNPT vẫn giữ điều kiện mô hình và tổ chức kinh doanh như hiện nay sẽ gặp nhiều trở ngại. Doanh thu từ điện thoại cố định giảm, nhưng doanh thu các dịch vụ khác như băng rộng, thuê kênh... đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm đó. Trên thực tế, các viễn thông tỉnh vẫn phụ thuộc vào dịch vụ di động và cơ chế nội bộ quá lớn. Nếu sau này tổ chức Tập đoàn thay đổi thì các tỉnh như Hòa Bình sẽ gặp khó khăn. Bản thân sự bố trí bộ máy của Viễn thông Hòa Bình trong mối quan hệ hạ tầng mạng lưới của VinaPhone và MobiFone vẫn còn nhiều vấn đề.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, phải tính dựa trên bài toán tổng thể của VNPT, cần xem xét lại việc cứ đơn vị nào làm ăn có lãi thì lại tách ra hạch toán độc lập. Trong bối cảnh sụt giảm của dịch vụ điện thoại cố định như hiện nay thì các viễn thông tỉnh không nên giữ chân thuê bao cố định bằng mọi giá, nhưng cần phát triển mạnh hạ tầng cố định. Thực tế tại Viễn thông Hòa Bình doanh thu từ dịch vụ băng rộng đang phát triển tốt chiếm 32% tổng doanh thu và có thể tăng lên. Vì vậy, nếu doanh thu băng rộng tốt sẽ bù đắp phần sụt giảm từ doanh thu điện thoại cố định.

Trước chuyến thăm và làm việc với Viễn thông Hòa Bình, đoàn công tác của Bộ TT&TT đã thăm và làm việc với nhiều công ty dọc của VNPT như MobiFone, VinaPhone, VASC, VDC, VTN, VTI, Công ty Cổ phần Vật liệu Bưu điện, VNPT Hải Phòng... để nắm rõ mô hình và tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, phục vụ cho việc tái cơ cấu VNPT. Sau đó, Bộ TT&TT chỉ đạo VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu và Bộ sẽ chính thức trình Chính phủ đề án này.

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng, doanh thu điện thoại cố định có xu hướng suy giảm, nhưng trên đường dây điện thoại cố định cần phát triển các ứng dụng như Internet băng rộng, phát thanh - truyền hình. Do đó, hạ tầng băng rộng cố định rất quan trọng và VNPT phải có thêm nhiều dịch vụ hơn nữa trên mạng cố định. Trước đây, chúng ta hỗ trợ vùng công ích cho người dân theo hình thức trực tiếp nên thậm chí người dân không có nhu cầu sử dụng, khi dừng hỗ trợ công ích thì nhiều người cắt bỏ dịch vụ luôn. Sắp tới, sẽ thay đổi chính sách công ích thông qua hỗ trợ hạ tầng băng rộng để trợ giúp người dân hiệu quả hơn.

Theo ictnews