Hải quan tăng cường kiểm tra, rà soát sợi nhập xuất xứ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia

Hữu Ích 13:44, 18/05/2020

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý trị giá hải quan đối với mặt hàng sợi NK, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, kiểm tra về phân loại và trị giá hải quan đối với mặt hàng Sợi Filament, sợi Polyester – mã số HS nhóm 5402, xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Ngày 17/5, Tổng cục Hải quan cho biết qua phân tích dữ liệu trên hệ thống phát hiện một số tồn tại trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan đối với mặt hàng sợi.

Do đó, để tăng cường hiệu quả công tác này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại công văn 7214/TCHQ-TXNK ngày 19/11/2019 của Tổng cục Hải quan. Cục hải quan tỉnh, thành phố sau khi tổng hợp số liệu báo cáo của các chi cục phải kiểm tra, đánh giá trước khi báo cáo số liệu cho Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức rà soát các trường hợp thực hiện chưa đúng chỉ đạo để có biện pháp khắc phục tình trạng không xác định nghi vấn, chấp nhận trị giá hải quan theo giá kê khai tràn lan; tham vấn và kiểm tra sau thông quan mang tính chất chiếu lệ, đối phó, gây khó khăn cho DN hoặc gây thất thu cho ngân sách.

Đại diện ngành sản xuất trong nước cáo buộc lượng sợi filament nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia tăng mạnh khiến doanh nghiệp nội địa bị thiệt hại.

Đối với các tờ khai kê khai tên hàng sợi loại B, C để kê khai giá thấp thì phải xác định nghi vấn để tham vấn, xác lập căn cứ và bác bỏ trị giá kê khai. Đối với những tờ khai đã thông quan thì phải rà soát để kiểm tra sau thông quan. Trong đó, phải làm rõ căn cứ, bằng chứng của việc phân loại sợi loại B,C.

Đồng thời, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần cập nhật ngay dữ liệu kết quả tham vấn trên hệ thống GTT02 đối với các tờ khai chưa cập nhật thông tin.

Trường hợp doanh nghiệp khai báo giá thấp nhưng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký hoặc đã ngừng hoạt động, xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ dấu hiệu gian lận, trốn thuế.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, công chức có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng chấp nhận trị giá hải quan kê khai thấp hoặc xác định trị giá hải quan sau tham vấn thấp và không cập nhật kết quả kiểm tra trên hệ thống GTT02. Xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức vi phạm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trước đó, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1079 về việc áp dụng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Vụ việc được điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước (sản lượng chiếm 67,4% tổng lượng sản xuất trong nước). Theo hồ sơ yêu cầu, lượng nhập khẩu sợi PFY bán phá giá từ các nước trên đã tăng mạnh trong thời gian qua và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sợi PFY của Việt Nam.Theo đó, sản phẩm bị điều tra là sợi filament thuộc các mã HS 5402.33.00, 5402.46.00 và 5402.47.00. Thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá từ ngày 1/1 - 31/12/2019. Thời kỳ điều tra xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là trong 3 năm từ 2017-2019.

Được biết, lượng nhập khẩu sợi filament từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia thời gian qua tăng mạnh với mức giá chênh lệch thấp hơn và là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sợi filament của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá mà các doanh nghiệp đề xuất đối với sợi filament từ Trung Quốc là 17,0%, Ấn Độ 54,9%, Indonesia 60,6% Malaysia 6,4%. Tuy nhiên đây chưa phải là kết luận mức thuế cuối cùng của Bộ Công Thương.

PV