Hàn Quốc sắp phóng tên lửa nội địa đầu tiên lên quỹ đạo
Hôm nay (21/10), Hàn Quốc sẽ đưa 1 tấn hàng lên quỹ đạo bằng tên lửa nội địa đầu tiên, với mục tiêu gia nhập nhóm các quốc gia có nền khoa học công nghệ vũ trụ tiên tiến.
Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới và một quốc gia phát triển về công nghệ, là nơi có hãng sản xuất điện thoại thông minh và chip lớn nhất thế giới - Samsung Electrics.
Tuy nhiên, nước này lâu nay chưa phải tiêu điểm về các hoạt động khám phá và phát triển công nghệ vũ trụ, lĩnh vực mà Liên Xô dẫn trước bằng sự kiện phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1957, theo sau là Mỹ.
Tại châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều đã có chương trình vũ trụ rất phát triển. Nước láng giềng của Hàn Quốc là Triều Tiên cũng đã gia nhập các quốc gia sở hữu năng lực phóng vệ tinh.
Tên lửa đạn đạo và tên lửa không gian sử dụng công nghệ tương tự. Năm 2021, Bình Nhưỡng đưa một vệ tinh nặng 300kg lên quỹ đạo, hành động mà các nước phương Tây chỉ trích là vụ thử tên lửa trá hình.
Tên lửa NURI được dựng lên tại bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Naro.
Đến nay mới có sáu quốc gia, không bao gồm Triều Tiên, đưa thành công một khối lượng nặng 1 tấn lên quỹ đạo bằng tên lửa nội địa.
Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ bảy nếu tên lửa Nuri của họ đưa thành công 1,5 tấn hàng từ bệ phóng Goheung lên độ cao 600 - 800km.
Tên lửa 3 giai đoạn đã được phát triển trong suốt 1 thập kỷ qua, với chi phí khoảng 2 nghìn tỷ won (1,6 tỷ USD). Tên lửa Nuri nặng 200 tấn, dài 47,2m, được trang bị tổng số 6 động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng.
Các chuyên gia nói rằng vụ thử hôm nay sẽ tạo ra tiềm năng “vô tận” nếu thành công.
“Tên lửa hiện là phương tiện duy nhất để con người lên vũ trụ. Sở hữu công nghệ đó sẽ giúp chúng ta thực hiện những yêu cầu cơ bản nhất để tham gia cuộc cạnh tranh khám phá vũ trụ”, Lee Sang-ryul, giám đốc Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc, nói với báo Chosun Biz.
Vụ phóng tên lửa hôm nay là một bước đi trong chương trình vũ trụ ngày càng tham vọng của Hàn Quốc. Sau khi quan sát vụ thử động cơ tên lửa Nuri vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng nước này sẽ phóng một tàu quỹ đạo Mặt trăng vào năm sau.
“Với những thành tựu trong phát triển tên lửa Hàn Quốc, chính phủ sẽ theo đuổi một dự án khám phá không gian chủ động. Chúng ta sẽ hiện thực hoá giấc mơ đưa một tàu tự hành đáp xuống Mặt trăng vào năm 2030”, ông nói.
Nuri sẽ là chìa khóa cho các kế hoạch xây dựng hệ thống định vị và do thám dựa trên vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc 6G và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng của Hàn Quốc trong tương lai.
"Chương trình được thiết kế không chỉ để hỗ trợ các dự án của chính phủ mà còn phục vụ hoạt động thương mại", Giám đốc Bộ phận Phát triển Hệ thống Động cơ phóng Oh Seung-hyub của KARI nói thêm.
Theo kế hoạch, tên lửa Nuri sẽ bay thử ít nhất 5 lần để chứng minh tính ổn định trước khi mang vệ tinh thật. Sau vụ phóng hôm 21/10, phương tiện được lên lịch thêm 4 chuyến bay nữa vào các năm 2022, 2024, 2026 và 2027.
Phương Mai (T/h)