Hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được vận hành toàn tuyến
Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, sáng nay ngày 12/12 hệ thống tàu đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã chính thức được vận hành. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước thử nghiệm.
Chuyến tàu chạy thử nghiệm đầu tiên của đường sắt Cát Linh – Hà Đông được diễn ra từ 3h30 sáng ngày 12/12 với chiều dài 13km. Với sự tham gia của nhiều bên, gồm: Chủ đầu tư dự án, Tổng thầu Trung Quốc, Tư vấn độc lập của Pháp (Liên danh Apave - Ceryifier - Tricc), Hội đồng nghiệm thu Nhà nước... Quá trình vận hành đoàn tàu sẽ hoàn toàn do nhân sự người Việt đảm nhiệm.
Trong lần chạy thử nghiệm này tàu sẽ vận hành liên tục từ 5h - 23h hàng ngày, thời gian dừng tại mỗi ga khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Tần suất 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút mỗi chuyến. Mỗi ngày sẽ có từ 6 - 9 đoàn tàu hoạt động.
Trong 20 ngày chạy thử, tàu sẽ vận hành liên tục từ 5h - 23h hàng ngày.
Thời gian chạy thử sẽ diễn ra trong 20 ngày tới (từ 12/12 - 31/12). Hơn 600 nhân sự của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) chia làm 2 ca, được bố trí dọc tuyến, vận hành các hạng mục trong nhà ga và khu trung tâm điều hành, khu bảo dưỡng sửa chữa, giống như khai thác thương mại. Bên cạnh đó. đoàn tư vấn Pháp đánh giá sẽ kiểm chứng mức độ an toàn và chính xác của hệ thống. Đồng thời, gần 200 chuyên gia Trung Quốc thuộc Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu lắp đặt thiết bị của dự án cũng có mặt trên tuyến để giám sát.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa dài khoảng 80m, sức chứa khoảng 1.000 khách, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại 35km/h. Dự án có hạ tầng đường ray thép đi cao trên cầu cạn, đường đôi riêng biệt. Đường ray khổ rộng 1.435 mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu. Tuyến sử dụng công nghệ lấy điện từ đường ray thứ 3, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới. |
Thùy Dung