Hiện tượng “Bà Tưng” dưới góc nhìn của luật pháp

11:28, 16/08/2013

Căn cứ vào những hình ảnh Lê Thị Huyền Anh hay còn được biết tới với tên gọi “Bà Tưng” gần đây tung lên mạng cùng với những hành động vô cùng phản cảm, làm ảnh hưởng đến công luận thời gian gần đây, ngày 7/8/2013, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có công văn hỏa tốc số 633 gửi các Sở VH,TT&DL về việc cấm bà Tưng tham gia biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Quang Vy – Tổng Giám đốc Công ty luật Việt Long Thăng (VLT Lawyers), một công ty có tên tuổi trong giới showbiz về vụ việc này dưới góc độ luật pháp.
Luật sư Lê Quang Vy-Tổng Giám đốc Công ty luật Việt Long Thăng (VLT Lawyers)

Thưa luật sư, vừa qua Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ra văn bản cấm công dân Nguyễn Thị Huyền Anh, một hiện tượng mạng có tên “Bà Tưng”, không được biểu diễn tại các sân khấu và cả quán bar. Luật sư có thể chia sẻ quan điểm pháp lý của mình về vấn đề này?

Ls LQV:  Điều 49 Bộ luật Dân sự quy định “cá nhân có quyền lao động, mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm nghề nghiệp, không bị đối xử về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo”. Việc “Bà Tưng” nếu có chọn cho mình một nghề nghiệp liên quan đến lãnh vực hoạt động nghệ thuật đó là quyền của công dân được luật pháp bảo hộ, theo đó cơ quan Nhà nước không được quyền ngăn cấm ngoại trừ Tòa án có thể tuyên một bản án cấm hành nghề (nào đó) theo một điều luật được ấn định cụ thể.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, pháp luật cũng có dự liệu một số trường hợp bị xử lý hành chánh như tước giấy phép hành nghề không thời hạn hoặc có thời hạn VD: đối với nghề lái xe, nếu tài xế điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn, hoặc tài xế dừng xe, đỗ xe, mở cửa xe không bảo đảm an toàn gây tai nạn thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày. Đối với trường hợp cụ thể của “Bà Tưng”, liên quan đến lãnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật, căn cứ vào điểm a khoản 8 điều 16 nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngoài hình thức xử phạt tiền còn được quyền cấm biểu diễn từ sáu tháng đến hai năm nếu “Bà Tưng” vi phạm một trong những điểm như sau:
•    Biểu diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục dân tộc, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân
•    Biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động, bạo lực
•    Biểu diễn tác phẩm bị cấm biểu diễn
•    Biểu diễn tác phẩm có nội dung kích động chiến tranh xâm lược. gây hận thù chia rẽ giữa các dân tộc
•    Biểu diễn tác phẩm có nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc


"Bà Tưng" và công văn hỏa tốc gây "xôn xao" dư luận số 633 gửi các Sở VH,TT&DL của Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Tôi không có văn bản cấm của Cục NTBD, do vậy không biết họ căn cứ vào những điểm pháp lý nào để ra văn bản cấm. Tuy nhiên muốn cấm trong trường hợp này phải trả lời được hai câu hỏi (1) Hành vi biểu diễn nghệ thuật đã diễn ra chưa? (2) Và việc biểu diễn đó có vi phạm những điểm như đã nêu trên không?

Một số người cho rằng, việc không thích thì cấm này là một biện pháp… sai luật, vì là công dân thì sẽ chỉ không được làm những việc mà pháp luật quy định cấm. Tôi chưa thấy ai cấm một người lên sân khấu hát chỉ vì cô ấy… hát chưa hay cả. Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?


Ls LQV:  Nghệ thuật là sự sáng tạo, do vậy việc hay hay dở là do cảm nhận riêng của mỗi người. Pháp luật về quyền tác giả không phân biệt tác phẩm hay hay dở, ngắn hay dài mà mọi tác phẩm nghệ thuật đều được bảo hộ như nhau. Trong các văn bản pháp quy hiện hành liên quan đến lãnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng không có điều khoản nào phân biệt các giọng ca (được đào tạo bài bản hay trời phú…)mà tất cả những người nào có khả năng ca hát, khả năng biểu diễn đều được quyền biểu diễn.

Trước văn bản cấm này, nhiều người lo ngại sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, chỉ cần cảm thấy có những hiện tượng chưa tốt là đã cấm mà chưa cần hiểu rõ bản chất vấn đề. Anh có nghĩ vậy?

Ls LQV:  Tôi nghĩ làm bất cứ điều gì cũng phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” cái bất biến ở đây là “quyền lao động” đã được luật pháp bảo hộ, do vậy thiết nghĩ trước khi ra văn bản cấm,  nghĩa là để “ứng vạn biến” thì cơ quan Nhà nước phải nghĩ đến cái “quyền lao động” của công dân.

Theo anh, Cục Nghệ thuật biểu diễn nên làm gì trước những hiện tượng này, nếu như không phải là ban ra lệnh cấm?

Ls LQV:  Như tôi đã nói trên, làm việc gì cũng phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nghị định 75/2010/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp bị cấm biểu diễn,  đây là cơ sở pháp lý để  Cục NTBD xử lý vậy.

Huy Hoàng (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN