Hiệp hội Internet Việt Nam: Đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái Internet thúc đẩy chuyển đổi số
Ngày 15/12/2020, Đại hội lần Thứ III của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái Internet thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Đại hội nhiệm kỳ III đã tổ chức thành công tốt đẹp.
Hoạt động hiệu quả, thiết thực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Theo như VIA, trong 5 năm nhiệm kỳ II, các hoạt động của VIA đã được tổ chức một cách bài bản hơn, được sự tham gia của nhiều DN, cộng đồng trong nước và quốc tế hơn, các hội viên đều tích cực tham gia các hoạt động do Hiệp hội tổ chức đều đặn, có hiệu quả, thiết thực.
Do đặc thù là các doanh nghiệp hội viên đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh và tỷ lệ thấp các hội viên cạnh tranh trực tiếp với nhau, Hiệp hội xây dựng các chương trình hành động cụ thể cho từng giai đoạn.
Đồng thời, Hiệp hội cũng chú trọng phát triển hoạt động giao lưu hội viên, vừa gặp gỡ, vừa tạo cơ hội trao đổi về từng chủ đề cụ thể, góp phần gợi mở nhiều cơ hội kinh doanh giữa các Hội viên với các DN tham gia.
VIA đã có những hoạt động khởi sắc, đóng góp tích cực và rõ rệt vào sự phát triển và gắn kết của cộng đồng các DN viễn thông, Internet, nội dung số và các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực.
Thực hiện vai trò tư vấn, phản biện chính sách thông qua các hoạt động kết nối, thu thập, tổng hợp và chuyển các góp ý, đề nghị, đề xuất từ các hội viên cũng như các đơn vị liên kết đến các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, VIA đã có những nỗ lực để tác động tích cực đối với môi trường chính sách về Internet - viễn thông tại Việt Nam những năm qua.
VIA đã tổ chức nhiều phiên làm việc giữa các hội viên cùng ngành nghề kinh doanh; tham gia nhiều tọa đàm về môi trường chính sách cũng như gửi nhiều văn bản góp ý kiến các dự thảo văn bản luật liên quan.
Trong nhiệm kỳ II, VIA chú trọng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác với các đơn vị, tổ chức quốc tế, qua đó mang lại các cơ hội, lợi ích, thông tin cập nhật và có ích cho Hội viên và cộng đồng Internet Việt Nam.
VIA cũng đã khởi tạo và duy trì quan hệ với các tổ chức thúc đẩy phát triển Internet trong khu vực và quốc tế như ISOC (Internet Society), ICANN (tổ chức tài nguyên Internet), APNIC, APIA (Hiệp hội Internet Châu Á - Thái Bình Dương), ACCA (Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á),… để cùng tổ chức các sự kiện quốc tế tại Việt Nam, cùng đưa cơ hội mở rộng quốc tế đến với các hội viên VIA,…
Cục trưởng Hoàng Minh Cường trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho VIA đã có thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT.
VIA cũng chủ động tiếp cận và tìm kiếm các ưu đãi, lợi ích dành cho hội viên từ các sự kiện xúc tiến thương mại và kết nối trong khu vực, như FTTH Council; Capacity Asia, Telecoms World, CommunicAsia …
Về xúc tiến kết nối DN song phương, bên cạnh đối tác Hàn Quốc truyền thống, VIA cũng nỗ lực mở rộng kênh hỗ trợ triển khai xúc tiến thương mại với các nước khác Úc, Bỉ, Cộng hòa Séc, Singapore, Ấn Độ...
Về hợp tác với các hội, hiệp hội trong nước, VIA cũng luôn có ý thức và nỗ lực đóng góp vào hoạt động chung. Một số hoạt động phối hợp và sự kiện được VIA phối hợp với các hội, hiệp hội bạn như Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số, Hiệp hội An toàn thông tin, Hiệp hội Thương mại điện tử, Hội Vô tuyến điện tử, Câu lạc bộ CIO - CEO.
Trong nhiệm kỳ II, một số sự kiện đã được duy trì và nâng cao chất lượng, trở thành "thương hiệu" của VIA, như Internet Day, OpenInfra Days, Security BootCamp. VIA cũng đã tổ chức Khoá đào tạo "Quản lý thông tin trên Internet", Dự án đào tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
Những nỗ lực, đóng góp của VIA trong 5 năm nhiệm kỳ II đã được Cục trưởng Hoàng Cường đánh giá rất cao. “VIA đã nỗ lực vươn lên, hoàn thiện bộ máy, tạo nên sự thịnh vượng cho cộng đồng Internet của Việt Nam. VIA đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức các hoạt động đào tạo, định hướng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, DN, các hoạt động xúc tiến thương mại, chiến lược xã hội hoá Internet Việt Nam, giúp hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng cách mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật công nghệ, dịch vụ chuyên đề Internet, tạo điều kiện học tập nghiên cứu, ứng dụng phát triển Internet”, Cục trưởng cho biết.
Hiệp hội cũng đã góp phần hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước bằng các hoạt động thúc đẩy, thu hút đầu tư, công nghệ, quảng bá tiềm năng Internet Việt Nam, hỗ trợ, khuyến nghị các cơ quan chức năng xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động Internet Việt Nam nói riêng, viễn thông - CNTT nói chung.
Các sự kiện, hội thảo, hoạt động xúc tiến của Hiệp hội nhìn chung có sức hút mạnh mẽ, tạo được tiếng vang và được DN, người dân, xã hội quan tâm, đánh giá cao...
Đại hội đã bầu BCH nhiệm kỳ III (2020-2024) gồm 36 Ủy viên và Bầu Ban kiểm tra gồm 5 thành viên. BCH nhiệm kỳ III đã có buổi họp đầu tiên bầu Ban lãnh đạo Hiệp hội, cụ thể: Ông Vũ Hoàng Liên tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội, Ông Vũ Thế Bình , tái đắc cử PCT kiêm Tổng TK VIA, Ông Nguyễn Long và Ông Nguyễn Viết Thế tiếp tục được tín nhiệm làm PCT VIA.
Ban Chấp hành VIA nhiệm kỳ III ra mắt.
Ban Thường vụ gồm 12 thành viên trong đó có các đại diện của: VNPT, Viettel, VNG, MobiFone, VTV Digital….
Phát biểu tiếp nhận cương vị Chủ Tịch VIA tại Đại hội, ông Vũ Hoàng Liên cho biết với tinh thần đổi mới sáng tạo của Đại hội, các hội viên tiếp tục có những đóng góp ý tưởng, sáng kiến để thực hiện mục tiêu đề ra của Đại hội III.
Vai trò của viễn thông – Internet càng được thể hiện mạnh mẽ hơn
Phát biểu chỉ đạo, đại diện Bộ Thông Tin và Truyền thông, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh, kể từ ngày vào Việt Nam năm 1997, đến nay Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Những số liệu thực tế cho thấy, Việt Nam là 1 trong 20 nước có số người sử dụng (NSD) Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ NSD Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển (86,7%), các nước đang phát triển (44,4%) và các nước châu Á – Thái Bình Dương (44,5%).
"Có thể nói, tỷ lệ NSD Internet của Việt Nam là cao hơn so với trung bình của khu vực khá nhiều và chúng ta đã đạt được 80% so với các nước phát triển", Cục trưởng Cường nhấn mạnh.
Cục trưởng Hoàng Minh Cường “Internet Việt Nam đã phát triển vượt bậc”.
Trong khi đó, số liệu về tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet hiện nay, Việt Nam đạt 71,3%, trong khi trung bình thế giới chỉ là 57,4%. Con số này tại các nước phát triển là 85%, châu Á - Thái Bình Dương là 53%. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam cao hơn trung bình khu vực, đạt 83,7% so với các nước đang phát triển, gần ngang bằng với các nước phát triển.
Còn theo số liệu của We are Social, trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào Internet, trong đó, 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội. 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày. Chỉ số này, theo ông Cường là cao hẳn so với trung bình của thế giới, cho thấy người Việt Nam quan tâm đến thông tin, Internet.
Cũng theo số liệu của Cục Viễn thông, thời điểm diễn ra dịch Covid-19 đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng băng rộng di động của Việt Nam tăng đến 22,45%, băng rộng cố định tăng 13,33% so với cùng kỳ. Hiện nay băng rộng cố định hộ gia đình hiện đạt 15,68 triệu, chiếm 58,34% số hộ gia đình, tức là tăng trưởng rất mạnh mẽ trong năm 2020 trong thời gian cách ly, làm việc từ xa.
Từ những số liệu trên có thể thấy, cả thế giới đang chịu tác động của dịch Covid -19, phải cách ly xã hội. Làm việc từ xa, y tế từ xa, thương mại điện tử trở thành phương thức chủ đạo trong việc duy trì cuộc sống xã hội. Vai trò của viễn thông – Internet càng được thể hiện mạnh mẽ hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực cho biết Hiệp hội cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, tham gia mạnh mẽ hơn nữa.
Đây là thời cơ rất tốt để Internet, DN Internet Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia định hướng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, theo đó, định hướng, thúc đẩy hạ tầng số, dịch vụ số, phục vụ CĐS đất nước.
"Đây cũng là cơ hội của Internet, VIA, DN Internet có thể tận dụng để có thể bứt phá, tham gia mạnh mẽ hơn vào sự phát triển đất nước. Vai trò của VIA và các thành viên của VIA cần được thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết trong giai đoạn này cũng như trong thời gian tới đây khi Việt Nam thực hiện CĐS quốc gia", Cục trưởng Hoàng Minh Cường khẳng định.
Đồng quan điểm, Nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực cho biết, Hiệp hội cần tiếp tục cố gắng hơn nữa, tham gia mạnh mẽ hơn nữa cho việc đóng góp các ý kiến xây dựng chính sách, mở rộng thành viên của Hiệp hội, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái.
Nguyên Thứ trưởng Mai Liêm Trực cũng kỳ vọng VIA lớn mạnh, sôi động hơn nữa bởi Internet mang lại một môi trường, không gian sống mới đó là online, công trình vĩ đại nhất của nhân loại, kết nối 7 tỷ người 24/24 tại bất cứ đâu. Không chỉ vậy, trong kỷ nguyên kết nối vạn vật (IoT) thì không chỉ 7 tỷ người được kết nối mà thế giới có tới hàng trăm tỷ kết nối. Sứ mạng của Hiệp hội là đóng góp vào sự phát triển của Internet nước nhà./.
P.V