Câu chuyện chuyển đổi số: "Gã khổng lồ" hay "kẻ tí hon" có lợi thế?
Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020, có 6 ngành trọng điểm được nhắc tới để chuyển đổi số. Chuyên gia cho rằng có 2 ngành nổi bật nhất là y tế và tài chính - ngân hàng.
Trong những năm qua, chuyển đổi số đã trở thành từ khóa "hot", được đông đảo các thành phần từ người dân, doanh nghiệp, cho tới cơ quan các Bộ, ngành,... nghiên cứu, áp dụng cho tổ chức của mình.
Về cơ bản, chuyển đổi số là quá trình sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Từ đó các tổ chức sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số.
Doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa - nhỏ sẽ chuyển đổi số dễ dàng hơn?
Bên lề Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2020, ông Andrew Edward Williamson - Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ toàn cầu của Huawei, đã có chia sẻ thú vị về chuyển đổi số.
Theo ông Andrew Edward Williamson, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu, Cố vấn Kinh tế của Tập đoàn Công nghệ Huawei, quá trình chuyển đổi số đã giúp hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên sẽ có những doanh nghiệp chuyển đổi nhanh hơn, hiệu quả hơn, thành công hơn. Đó chính là những công ty, tập đoàn lớn mạnh. Quan điểm này được ông Andrew chia sẻ tại một hội thảo bên lề Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm (Vietnam ICT Summit) 2020.
Ông Andrew Edward Williamson cho rằng các doanh nghiệp lớn sẽ chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp vừa - nhỏ.
"Chuyển đổi số yêu cầu 3 yếu tố: Đó là kiến thức chuyên môn, kỹ năng và năng lực/tiềm lực tài chính. Ở cả 3 lĩnh vực này thì các ông lớn, các tập đoàn lớn đều mạnh hơn. Vì vậy họ sẽ chuyển đổi số hiệu quả hơn, dễ dàng hơn so với các công ty nhỏ", ông cho biết.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu khoa học của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 với tên gọi "Báo cáo phát triển thế giới" cũng cho thấy các tổ chức lớn hơn, đi tiên phong trong ứng dụng chuyển đổi số sẽ thành công hơn, trở thành "ngôi sao" trên thế giới.
Trước sự chuyển dịch lớn nhất của loài người, các DN lớn cho thấy rõ nhất ở khả năng nâng cao được cả năng suất làm việc cũng như doanh số bán hàng. Điều này được ghi nhận không chỉ ở những quốc gia đã phát triển, mà còn tại những quốc gia đang phát triển, kém phát triển.
Việt Nam chuyển đổi số mạnh nhất ở lĩnh vực nào?
Quầy đăng ký tự động tại Vietnam ICT Summit 2020 để tránh tiếp xúc gần.
Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020, có 6 ngành trọng điểm được nhắc tới để chuyển đổi số, bao gồm: Y tế, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, logistics, sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số tại doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong số các lĩnh vực này, có 2 ngành nổi bật nhất là y tế và tài chính - ngân hàng. Đây là quan điểm được ông Andrew Edward Williamson đặc biệt chú trọng, và nhấn mạnh để dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Thấy rõ nhất trong thời gian qua chính là sự chuyển dịch của ngành y tế khi Việt Nam cùng thế giới trải qua một giai đoạn khó khăn cùng đại dịch Covid-19, với sự thúc đẩy mạnh mẽ của y tế từ xa và ứng dụng công nghệ, AI để hạn chế tiếp xúc gần.
Theo một thống kê được Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) công bố, thị trường công nghệ y tế (digital health) được định giá 143,6 tỷ USD vào năm 2019, dự kiến quy mô thị trường sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,2% từ năm 2020 đến năm 2027.
Đối với ngành tài chính - ngân hàng, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn bùng nổ với sự xuất hiện nhiều công ty fintech, cùng xu hướng mua sắm trực tuyến lên ngôi. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có lợi thế hơn một số quốc gia bảo thủ như Anh, Mỹ,... nhờ chuyển dịch linh hoạt. Tại các quốc gia này, họ vẫn chủ yếu dựa trên giấy tờ và quy trình là chính. Cơ hội là thấy rõ, nhưng những khó khăn và thách thức cũng luôn tiềm ẩn.
Chia sẻ với báo chí, ông Andrew Edward Williamson nêu bật những vấn đề trước mắt mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, đó là về hạ tầng, an ninh mạng, và chất lượng nhân sự ICT.
Ông Andrew Edward Williamson, Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ toàn cầu của Huawei trả lời phỏng vấn trực tuyến qua cầu truyền hình.
Về hạ tầng, nền kinh tế số phải hoạt động trên hạ tầng số. Trong đó, 5G - công nghệ di động trong tương lai, hay Wifi 6 sẽ đóng một vai trò rất quan trọng để phát triển nền kinh tế di động số.
Về an ninh mạng, khi các nền kinh tế chuyển đổi số nhiều thì càng gặp nhiều rủi ro về an ninh bảo mật. Trong lĩnh vực này, Việt Nam nên tăng cường an ninh mạng trên phạm vi toàn cầu dựa trên sự hợp tác giữa các khu vực.
Về nhân sự công nghệ cao, đây cũng sẽ là một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nếu muốn đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Để giải quyết, ngoài việc đẩy mạnh đào tạo, giáo dục trong nước, Việt Nam cũng có thể tham khảo các chương trình học viện mạng ICT (ICT Academy).
Theo ông Andrew, đây là cách tốt nhất để Huawei giúp các quốc gia, tổ chức giải quyết về việc thiếu hụt nhân sự chất lượng. "Đến nay, đã có 930 trường cao đẳng, đại học trên thế giới đã hợp tác với chương trình này. Chúng tôi cũng đã đào tạo 50.000 sinh viên CNTT mỗi năm", ông cho biết.
Châu Anh (T/h)