Tài sản số thành sân chơi của những ông lớn

14:32, 22/07/2025

Nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn trong lẫn ngoài nước đang ráo riết tìm cách chiếm lĩnh vị thế trên thị trường tiền số và tài sản số tại Việt Nam.

Cần thay đổi tư duy chính sách về tài sản số

Tuần qua, Dragon Capital gây chú ý khi đề xuất thí điểm token hóa quỹ ETF cho phép nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ bằng nhiều hình thức, kể cả tiền số như bitcoin. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá bitcoin toàn cầu đã vượt mốc 120.000 USD/BTC và nhiều quốc gia đang từng bước công nhận tiền số là phương tiện thanh toán.

Tại Việt Nam, dù tài sản số đã bắt đầu được luật pháp nhắc đến, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công nhận tiền ảo là công cụ thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, Việt Nam không thể mãi đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ với làn sóng AI và blockchain. Ông cho rằng đã đến lúc cần xem xét chấp nhận một số loại tiền ảo như bitcoin trong những giao dịch đặc thù, thay vì để thị trường ngầm chi phối.

Thực tế, việc thiếu hành lang pháp lý cho tiền kỹ thuật số đang khiến hoạt động này diễn ra không chính thức, gây khó kiểm soát và tiềm ẩn rủi ro lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế. Trong khi đó, Việt Nam đã nằm trong nhóm 5 quốc gia có Chỉ số Chấp nhận tài sản số toàn cầu cao nhất suốt 4 năm qua, với quy mô giao dịch ước tính vượt 100 tỷ USD mỗi năm.

Điểm sáng là tư duy chính sách đang có dấu hiệu chuyển động. Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, lần đầu chính thức công nhận tài sản số và tài sản mã hóa. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7/2025.

Bước ngoặt này có thể mở đường cho việc thí điểm thanh toán bằng bitcoin hoặc stablecoin trong phạm vi giới hạn. Trên thế giới, xu thế này đã rõ rệt: Hạ viện Mỹ vừa thông qua Dự luật GENIUS đã tạo hành lang pháp lý cho stablecoin và chờ Tổng thống ký ban hành. Nhiều quốc gia khác cũng đang từng bước thí điểm sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán có kiểm soát.

Nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và tập đoàn công nghệ lớn trong lẫn ngoài nước đang ráo riết tìm cách chiếm lĩnh vị thế trên thị trường tiền số và tài sản số tại Việt Nam.

Sân chơi tỷ USD đang gọi tên Việt Nam

Thị trường tài sản số tại Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các “ông lớn” trong và ngoài nước, từ ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ đến các nền tảng giao dịch tài sản số toàn cầu. Với tiềm năng ước tính hàng trăm tỷ USD, sân chơi này đang mở ra một cuộc đua định vị tầm ảnh hưởng, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ tài chính mà còn trên bản đồ đầu tư quốc tế.

Mới đây, Binance là sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đã chính thức công bố sáng kiến “Blockchain for Vietnam”, với tham vọng biến Việt Nam thành trung tâm blockchain của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, Binance cam kết rót 1 triệu USD để thúc đẩy giáo dục cộng đồng, phổ biến ứng dụng công nghệ chuỗi khối vào các ngành Việt Nam có lợi thế như tài chính, logistics, nông nghiệp công nghệ cao và game blockchain.

Ông Richard Teng, CEO Binance đánh giá Việt Nam đang hội tụ đầy đủ điều kiện để bứt phá: dân số trẻ, tỷ lệ tiếp cận công nghệ cao, cộng đồng developer đông đảo và tinh thần sẵn sàng đón nhận cái mới. “Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ chấp nhận tài sản số cao nhất thế giới. Khi hành lang pháp lý rõ ràng hơn, dòng vốn toàn cầu sẽ đổ về mạnh mẽ”, ông Teng khẳng định.

Ở chiều ngược lại, các định chế tài chính nội địa cũng không đứng ngoài cuộc. Dragon Capital, một trong những quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam đang tích cực đề xuất thí điểm token hóa tài sản, đồng thời kêu gọi xây dựng hành lang pháp lý để tài sản số được xem như một kênh đầu tư chính thức bên cạnh vàng, chứng khoán hay bất động sản.

Ông Will Ross, Giám đốc Tiếp thị và Phân phối của Dragon Capital Việt Nam cho rằng cần nhanh chóng mở khóa tiềm năng tài sản số, bởi giới trẻ Việt đang ngày càng chuyển hướng từ kênh đầu tư truyền thống sang công nghệ mới, nơi hiệu quả sinh lời, tính linh hoạt và tốc độ vượt trội hơn hẳn.

Bên cạnh Binance, nhiều “tay chơi lớn” khác như Tether, IDGX, U2U Network, SSID, Amazon Web Services (AWS), Bybit, BingX… cũng đang âm thầm đổ vốn vào hạ tầng công nghệ, blockchain, các dự án ví số và phát triển sàn giao dịch tương lai tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, khi sàn giao dịch tài sản số nội địa được cấp phép, Việt Nam có thể trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất khu vực, thu hút dòng vốn mới từ các tổ chức tài chính toàn cầu.

Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh giá bất động sản ngày càng đắt đỏ, kênh gửi tiết kiệm thiếu hấp dẫn, còn thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn chờ đợi lực đẩy mới. Trong khi đó, tài sản số nếu được quản lý minh bạch và đúng cách có thể trở thành “bến đỗ” của dòng vốn trẻ, sáng tạo và linh hoạt, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.