Hiệu quả từ camera giám sát giao thông
Việc triển khai ứng dụng, hệ thống camera thông minh giám sát giao thông, an ninh của TP. Hà Nội đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Xử lý triệt để được vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Góp phần nâng cao nhận thức của người dân
Tại Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội, mỗi ngày ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm giao thông thông qua hệ thống giám sát gồm hơn 600 camera phủ rộng trên toàn địa bàn Thành phố.
Ngoài việc lưu trữ các hình ảnh về giao thông đường bộ, hệ thống camera còn có thể ghi lại thông tin các xe vi phạm để tiến hành xử phạt nguội. Thông báo vi phạm gửi về cho cá nhân, tổ chức sẽ bao gồm hình ảnh trích xuất camera ghi chính xác địa điểm, thời gian và lỗi vi phạm.
Ưu điểm của hệ thống camera giám sát là tự động hóa toàn bộ quy trình xử lý từ khi phát hiện hành vi vi phạm, hiệu chỉnh thông tin đến khi lập biên bản vi phạm hành chính, góp phần thay đổi phương thức xử lý và giảm sự có mặt của CSGT trực tiếp tuần tra, tăng tính minh bạch, công khai trong thực hiện xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 5.600 trường hợp vi phạm. Việc xử lý được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan.
Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là: Vượt đèn đỏ; không đội mũ bảo hiểm; phóng nhanh, vượt ẩu; không chấp hành biển báo; lấn làn; đi ngược chiều; dừng đỗ không đúng nơi quy định…
Với mạng lưới camera giám sát giao thông ngày càng phủ rộng, hình thức phạt nguội sẽ siết chặt hành lang pháp lý đối với việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông vi phạm, góp phần nâng cao ý thức của người nhân khi tham gia giao thông, tránh tình trạng chấp hành theo kiểu đối phó.
Bên cạnh đó, căn cứ vào kết quả ghi nhận được từ camera giám sát, lực lượng CSGT, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định được diễn biến các vụ tai nạn để có căn cứ điều tra, làm rõ vụ việc; hỗ trợ truy vết các phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; phát hiện nhiều đối tượng sử dụng biển số giả, xe mất cắp và truy bắt tội phạm trộm cắp, cướp giật... góp phần bảo đảm bình yên trên địa bàn Thành phố.
Sẽ lắp 600 camera giám sát giao thông
Để công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả hơn, bảo đảm an toàn giao thông, hướng tới Thành phố thông minh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa trình UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1, thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.
Theo đó, đề xuất Thành phố cho phép triển khai hệ thống ITS giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, với chi phí hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố thực hiện giai đoạn 1 (từ năm 2025-2027).
Giai đoạn đầu, Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP. Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS.
Sở triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (tại số 1 Kim Mã), bao gồm: Cải tạo sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.
Phạm vi thực hiện bên trong Vành đai 3, bao gồm: 55 nút giao trên các tuyến Vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng với số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.
Các chức năng chính của hệ thống gồm: Giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, dân số của Thành phố là trên 8 triệu người, chưa bao gồm 1,2 triệu dân vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố.
Số lượng phương tiện giao thông đường bộ là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến nay mới đạt khoảng 12,13% dẫn đến hiện tượng quá tải trên các tuyến đường giao thông ở Thành phố.
Từ thực tế nêu trên, theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện giai đoạn 1 đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" là rất cần thiết. Đây cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.