Số hóa để giao thông Hà Nội văn minh
Trong hành trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, Hà Nội đang từng bước chuyển mình với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông thông minh. Việc số hóa toàn diện trong quản lý, khai thác hạ tầng và phương tiện giao thông không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng để giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhiều giải pháp công nghệ đã được triển khai, tạo nên những mảnh ghép giao thông “số” bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt. Tuy vậy, để những mảnh ghép đó kết nối thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, vẫn cần sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn từ các cấp, ngành và toàn xã hội.
Những hiệu quả bước đầu
Trong bối cảnh các đô thị trên thế giới không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển hạ tầng giao thông thông minh, Hà Nội cũng đang từng bước khẳng định quyết tâm chuyển mình theo hướng hiện đại, văn minh.
Việc số hóa toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải không chỉ nhằm nâng cao năng lực quản lý, khai thác hạ tầng và phương tiện, mà còn là giải pháp bền vững để giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay như ùn tắc, ô nhiễm và mất an toàn giao thông. Những mảnh ghép đầu tiên của giao thông số đã và đang được Hà Nội từng bước hoàn thiện, mang lại những tín hiệu tích cực.
![]() |
Tại Hà Nội, các khu vực nội thành, hệ thống camera giám sát giúp lực lượng chức năng tăng cường quản lý mà vẫn giảm thiểu nhân lực. |
Một trong những dấu ấn rõ nét là việc Hà Nội đi đầu cả nước trong xây dựng hệ thống thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, hệ thống này đã giúp người dân tiếp cận dịch vụ xe buýt nhanh chóng, thuận tiện hơn. Người sử dụng có thể dễ dàng mua vé, gia hạn thẻ hoàn toàn trực tuyến mà không cần tới các điểm đăng ký.
Đặc biệt, gần một năm qua, Hà Nội đã triển khai thẻ vé ảo, cho phép hành khách thực hiện mọi thao tác ngay trên ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội”. Hệ thống còn được nâng cấp để thẻ ảo hoạt động mà không cần kết nối internet, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nâng cao trải nghiệm của hành khách.
Đánh giá về hiệu quả của thẻ vé ảo, em Nguyễn Văn Hưng, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết: “Điều thuận tiện nhất với sinh viên như em là mọi thủ tục đều thực hiện được tại nhà, bất cứ lúc nào, không cần ra điểm giao dịch. Khi đi xe buýt, chỉ cần quét mã QR, không còn nỗi lo quên hay mất thẻ giấy như trước đây...”.
|
Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại”, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhấn mạnh: Việc phát triển hệ thống thẻ vé liên thông bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của người dân và yêu cầu cấp bách trong tổ chức giao thông hiện đại.
Để hệ thống vận hành hiệu quả, ngoài việc hoàn thiện khung kỹ thuật, đề án giao thông đô thị thông minh, Thành phố cần xây dựng chính sách vé cụ thể cho từng loại hình dịch vụ, bảo đảm tính mở, tính liên kết, không chỉ trong lĩnh vực vận tải hành khách mà còn với các loại hình dịch vụ khác như thu phí tự động, bến bãi đỗ xe.
Điểm đáng chú ý là hệ thống thẻ vé liên thông không dừng lại trong phạm vi Hà Nội, mà còn hướng tới khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh. Theo kế hoạch, hệ thống này sẽ chính thức khai trương vào ngày 2/9/2025, mở ra cơ hội tạo dựng nền tảng giao thông số quy mô toàn quốc.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang tích cực đồng hành cùng thành phố trong lộ trình chuyển đổi số. Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tổng Công ty Vận tải Hà Nội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 - 2030, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý điều hành từ Tổng Công ty đến các đơn vị trực thuộc, áp dụng thí điểm vé điện tử trên 17 tuyến và nhánh tuyến xe buýt.
Transerco cũng tiên phong đưa công nghệ vào hoạt động bến xe khách, bãi đỗ xe công cộng, từng bước hình thành hệ sinh thái giao thông tĩnh văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong kỷ nguyên số…
Những kết quả bước đầu ấy đã khẳng định sự đúng hướng trong chiến lược số hóa giao thông của Hà Nội. Tuy nhiên, để các mảnh ghép giao thông số thực sự kết nối thành hệ thống đồng bộ, hoàn chỉnh, vẫn cần sự quyết tâm cao độ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng: Xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đáng sống.
Đồng bộ để phát triển
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cùng bảy nhiệm vụ, giải pháp lớn trong tổ chức thực hiện.
Đây là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.
![]() |
Hà Nội hiện đã triển khai thẻ vé ảo, cho phép hành khách thực hiện mọi thao tác ngay trên ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội”. Hệ thống còn được nâng cấp để thẻ ảo hoạt động mà không cần kết nối internet, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và nâng cao trải nghiệm của hành khách. |
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước ngoặt lịch sử, mở ra thời cơ to lớn để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, tự tin hội nhập quốc tế.
Thấm nhuần tinh thần của Nghị quyết, Hà Nội với vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước đã và đang thể hiện quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống người dân, với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố, coi đây là một trụ cột quan trọng trong lộ trình số hóa toàn diện.
Việc triển khai Đề án Giao thông thông minh của Hà Nội không chỉ nhằm giải quyết các tồn tại, bất cập của hệ thống giao thông hiện nay mà còn hướng tới hình thành một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong quản lý, điều hành và khai thác hạ tầng giao thông.
![]() |
Trong bối cảnh dân số, phương tiện gia tăng không ngừng thì chuyển đổi số chính là giải pháp đột phá để Hà Nội nâng cao năng lực tổ chức, quản lý giao thông. |
Trong bối cảnh dân số, phương tiện gia tăng không ngừng, việc đầu tư hạ tầng truyền thống đòi hỏi nguồn lực rất lớn và thời gian dài, thì chuyển đổi số chính là giải pháp đột phá để Hà Nội nâng cao năng lực tổ chức, quản lý giao thông. Đây cũng là cách Hà Nội cụ thể hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, biến chủ trương lớn của Đảng thành những chương trình hành động thiết thực, hiệu quả.
Thực tế, nhiều giải pháp số đã và đang được thành phố triển khai phát huy hiệu quả rõ rệt. Trên các tuyến cao tốc, các khu vực nội thành, hệ thống camera giám sát giúp lực lượng chức năng tăng cường quản lý mà vẫn giảm thiểu nhân lực. Các bãi đỗ xe ứng dụng công nghệ tự động tính giờ, tính phí, dịch vụ đổi giấy phép lái xe, nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến, số hóa dữ liệu giấy phép lái xe... đã tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người dân và cơ quan quản lý.
Những kết quả bước đầu ấy cho thấy chuyển đổi số trong giao thông không còn là mục tiêu xa vời, mà đã trở thành hiện thực, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò tiên phong, dẫn dắt cả nước thực hiện thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.