Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số
Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã với chuyên đề “Nông sản an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ”. Hoạt động này trong chuỗi các hoạt động xúc tiến hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử… do Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã với chuyên đề “Nông sản an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022. Đây là sự kiện nhằm tiếp tục triển khai Biên bản hợp tác giữa Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn AEON Nhật Bản, hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Hội nghị Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã lần này có ý nghĩa lớn đối với việc hỗ trợ hợp tác xã giới thiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường; tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại của Tập đoàn AEON; đồng thời xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong nước.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, việc phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương được xác định là một trong những phương thức phân phối mới, tạo tiền đề cho thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng sản xuất tới các tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chủ động phối hợp với các sở, ngành các tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội tổ chức các hoạt động thương mại điện tử, kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Sendo, Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada…; triển khai các hội nghị đào tạo tập huấn về kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ quản lý địa phương; hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương qua thương mại điện tử… Qua đó, thúc đẩy xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Cùng với các hoạt động kết nối thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua thương mại điện tử, các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng được giới thiệu và triển khai như áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, giải pháp tài chính số cho doanh nghiệp, phương thức quản lý doanh nghiệp không dùng tiền mặt, giải pháp logistics thông minh…
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Đỗ Huy Chiến chia sẻ, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại hiệu quả cho các hợp tác xã thành viên. Trong đó có tư vấn, kết nối và hỗ trợ xúc tiến thương mại bằng việc tận dụng các thành tựu công nghệ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thành viên trên toàn thành phố... Qua đó, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đổi mới tư duy, nhận thức trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm phục vụ thị trường.
Ông Đỗ Huy Chiến thông tin thêm, từ việc chuyển đổi số, nhiều hợp tác xã đã đạt được những thỏa thuận, ký kết tiêu thụ và phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp trên cả nước với hàng trăm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các hợp đồng trên cung cấp thịt, cá, rau, củ, quả các loại, các sản phẩm thực phẩm chế biến an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng tới các đại lý phân phối, các nhà hàng, bếp ăn tập thể, các hệ thống siêu thị như: Saigon Coop, Lotte, Winmart và các bếp ăn khu công nghiệp...
Có thể nói, chuyển đổi số hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương còn khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tránh bị tụt hậu. Vì vậy, hợp tác xã trên địa bàn thành phố cần khẩn trương, kiên trì, liên tục kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo. Một vấn đề quan trọng khác là sự chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ của chính những chủ thể kinh doanh để tạo nên đột phá trong kinh doanh, sản xuất.
Theo Báo Hànộimới