Hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình Đề án 06

09:34, 04/07/2023

Đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100% kế hoạch). Đây là một trong những kết quả trong triển khai dịch vụ công trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa của UBND huyện Mỹ Đức.Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án 06 Hà Nội về kết quả thực hiện dịch vụ công trên địa bàn Thành phố từ đầu năm đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố được triển khai từ đầu tháng 02/2023, sau gần 02 tháng Hệ thống đã được xây dựng và đưa vào vận hành từ ngày 11/4/2023. Tính đến nay, đã triển khai xong cho các đơn vị Sở, ban, ngành (hiện còn 01 đơn vị là Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai do quy trình TTHC mới được Thành phố phê duyệt nên nhà thầu đang thực hiện phân tích nghiệp vụ để khai báo lên Hệ thống), 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống phần mềm để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại địa phương. Hệ thống đã tiếp nhận 135.831 hồ sơ, trong đó 126.229 hồ sơ đã hoàn thành xử lý, trả kết quả. Hệ thống cơ bản đáp ứng được yêu cầu đối với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố, đáp ứng các yêu cầu của Đề án 06 và yêu cầu tại Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng với việc tham mưu HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về việc miễn, giảm các khoản phí, lệ phí đối với các dịch vụ công trực tuyến khi công dân nộp hồ sơ trực tuyến;

Thực hiện việc rà soát, công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện TTHC có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo và quán triệt, chấn chỉnh việc thực hiện; rà soát và xác định 65 TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền của Thành phố có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện TTHC (văn bản số 602/UBND-KSTTHC ngày 09/3/2023 của UBND Thành phố) đồng thời chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các nội dung nhiệm vụ về rà soát, công bố, công khai, hướng dẫn việc thực hiện theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại văn bản số 1472/VPCP-KSTT (văn bản số 744/UBND-KSTTHC ngày 21/3/2023);

Liên quan đến nhiệm vụ cập nhật, chuyển dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng Giám định BHYT của BHXH Việt Nam để triển khai dịch vụ công "Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe" của Bộ Giao thông vận tải, đến nay, 26/26 cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng Giám định BHYT tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn. Liên thông và ký số thành công 31.710 hồ sơ lên Cổng Giám định BHYT, trong đó 3.053 hồ sơ liên thông tự động API, 28.657 hồ sơ cập nhật thủ công.

Tính đến ngày 16/6/2023, đã có 48 đơn vị của Hà Nội liên thông thành công dữ liệu Giấy chứng sinh, liên thông 7.192 dữ liệu Giấy chứng sinh, trong đó liên thông cập nhật tự động API là 4.185 hồ sơ, dữ liệu thủ công 3.007 hồ sơ. 31 đơn vị phát sinh dữ liệu và liên thông thành công dữ liệu Giấy báo tử, liên thông 156 hồ sơ.

Về kết quả thực hiện thí điểm 02 dịch vụ công liên thông. Đến nay đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 34.253 hồ sơ (trong đó có 31.916 hồ sơ đăng ký khai sinh, 2.337 hồ sơ đăng ký khai tử). Gần 100% trường hợp công dân thực hiện đăng ký khai sinh – khai tử đều được tuyên truyền, vận động thực hiện liên thông (trừ những trường hợp mất vào đêm hoặc ngày nghỉ lễ…). Thành phố tiếp tục triển khai và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp với đặc thù từng địa bàn như Loa phát thanh, bảng tin khu dân cư, chung cư, lồng ghép họp liên ngành, tổ dân phố, sân khấu hóa… Từ tháng 5/2023, Thành phố Hà Nội triển khai thí điểm việc cấp bản sao điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử thực hiện liên thông TTHC theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp (tại Văn bản số 1511/BTP-HTQTCT ngày 18/4/2023 của Bộ Tư pháp).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của Đề án đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; Hà Nội đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, cán bộ, công chức là những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn người dân, tổ chức đăng ký tài khoản định danh điện tử, cài đặt và kích hoạt ứng dụng VNeID, tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 14/6/2023, Công trình thanh niên đã huy động 22.449 lượt đoàn viên thanh niên trên toàn Thành phố tham gia, hướng dẫn 197.672 trường hợp cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt định danh điện tử, đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến.

Đến nay, Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó: Dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất là nhóm cư trú; thấp nhất là dịch vụ công "Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận". Có 09/25 DVCTT được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp).

Đối với các DVC ngoài danh mục 25 DVC thiết yếu và triển khai Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã căn cứ hướng dẫn tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Thông tư 01/2023/TT-VPCP (hiệu lực thi hành ngày 25/5/2023), Thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện số hóa, tái cấu trúc quy trình và xác định các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần; tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các sở, ngành trong việc xác định danh mục DVC toàn trình, DVC một phần đáp ứng yêu cầu và thực hiện tái cấu trúc để đảm bảo việc đưa vào tích hợp trên Cổng DVC Quốc gia, vận hành trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố.

Theo thanglong.chinhphu.vn

(https://thanglong.chinhphu.vn/hoan-thanh-25-25-dich-vu-cong-thiet-yeu-theo-dung-lo-trinh-de-an-06-10323070313374254.htm)