Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu mở ngành logistics, báo chí số
Năm 2021, Học viện Công nghệ BCVT thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 1, một trong những chiến lược trọng tâm trong hoạt động của Học viện trong năm mới.
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Mô hình hai lớp: Vừa có Hội đồng Học viện, vừa có Ban Giám đốc sẽ đem lại sức mạnh nhân đôi cho Học viện Công nghệ BCVT”
- Ngành CNTT của Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông có điểm trúng tuyển cao nhất
- Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành "đại học số" hình mẫu đầu tiên
Để thực hiện được mục tiêu này, Học viện sẽ tiếp tục mở ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 như Xây dựng đề án mở ngành và tổ chức tuyển sinh ngành kỹ thuật dữ liệu, ngành Internet kết nối vạn vật (IoT); Tổ chức tuyển sinh và đào tạo các ngành mới là logistic và báo chí số; Tổ chức tuyển sinh và đào tạo chương trình kỹ sư AI cho các nước ASEAN và chương trình CNTT 100% tiếng Anh cho sinh viên Việt Nam.
Học viện sẽ mở rộng quy mô tuyển sinh, đặc biệt là các hệ đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo, đào tạo phi chính quy; Đẩy mạnh kiểm định chương trình đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Học viện.
Học viện cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) theo hướng tăng cường công bố quốc tế và nghiên cứu phát triển sản phẩm để chuyển giao, xem xét thành lập doanh nghiệp (DN) KHCN trực thuộc Học viện; Đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở vật chất ưu tiên tăng cường phòng học, hạ tầng số, cảnh quan và môi trường học tập; đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng đang triển khai; tăng cường khai thác đem lại nguồn thu từ hạ tầng sẵn có.
Cụ thể, PGS.TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Trong năm 2021, Học viện phải bắt tay ngay và hoạt động mở rộng quy mô đào tạo, mở rộng đào tạo các ngành mới có lai ghép ICT để đáp ứng nhu cầu DN và xã hội trong bối cảnh CMCN 4.0 và nền kinh tế số.
Học viện sẽ thay đổi phương thức và áp dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học để minh chứng cho thế mạnh của Học viện là trường đại học (ĐH) công nghệ ICT trực thuộc Bộ TT&TT. Học viện định hướng, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong đó chú trọng cho sản phẩm lõi và ứng dụng vào thực tiễn phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện.
Học viện cũng tăng số lượng các bài báo khoa học, nghiên cứu như là bài quốc tế ISI/Scopus; Quyết tâm khôi phục và phát triển mạnh đào tạo phi chính qui, đào tạo ngắn hạn với nội dung đào tạo, hình thức đào tạo mới cập nhật công nghệ phù hợp chuyển đổi số, CMCN 4.0; Đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo quốc tế, phải nhanh chóng mở rộng và đóng góp thiết thực vào mở rộng, nâng cao hình thức đào tạo, doanh thu Học viện.
Học viện sẽ thực hiện thành công giai đoạn 1 trong phương án Chuyển đổi số của Học viện, trong đó trọng tâm vào xây dựng nền tảng kết nối của Học viện, trung tâm điều hành số và thí điểm đào tạo trên nền tảng số - hệ thống thí nghiệm thực hành số.
Trong nhóm các trường ĐH tuyển sinh đạt điểm cao
Năm 2020 tuy có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thay đổi của kỳ thi THPT, Học viện đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh để phù hợp với tình hình thực tế. Kết quả, số lượng đăng ký xét tuyển ở mức cao với 35.162 hồ sơ (tăng 126% so với năm 2019); hoàn thành việc xét tuyển ngay trong đợt 1 (nguyện vọng 1 - NV1) với điểm trúng tuyển tăng đều từ 2 - 3 điểm tùy ngành. Kết thúc đợt tuyển sinh, Học viện đã tuyển sinh được 3.287 sinh viên ĐH chính quy (đạt 106,7 % so với chỉ tiêu đề ra) đồng thời nằm trong nhóm các trường ĐH tuyển sinh đạt điểm cao trong cả nước.
Công tác tuyển sinh hệ sau ĐH duy trì ổn định về quy mô tuyển sinh và đào tạo trong bối cảnh khó khăn chung của các cơ sở đào tạo sau ĐH về công tác tuyển sinh. Kết quả tuyển sinh Thạc sĩ năm 2020 đạt 217 chỉ tiêu, 07 nghiên cứu sinh.
Công tác tuyển sinh các hệ đào tạo ĐH phi chính quy có nhiều khởi sắc: Năm 2020 tuyển sinh Đại học hình thức từ xa tuyển được 185 sinh viên, tăng so với năm 2019 là 88 sinh viên.
Học viện đã hoàn thành công tác tiếp nhận hồ sơ các ứng viên từ ASEAN. Học viện đã nhận được 51 hồ sơ gửi từ các nước Indonesia, Myanmar và Philippines. 02 chương trình đào tạo Liên kết với trường Đại học Anh Quốc đã được xây dựng và tuyển sinh trong năm 2020.
Năm 2020 là năm Học viện xác định mục tiêu đẩy mạnh phát triển và đổi mới chương trình đào tạo theo 02 xu hướng là đáp ứng nhu cầu của cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số của nền kinh tế, đồng thời tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cụ thể, Học viện đã bổ sung các chuyên ngành về phân tích Marketing, Kế toán quốc tế; tổ chức đổi mới chương trình Kỹ thuật Điện tử Viễn thông; Mở mới 02 ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa (Định hướng Robotic) và Công nghệ tài chính (FinTech); đang tiếp tục xây dựng chương trình tiến tới mở mới 02 ngành Kỹ thuật Dữ liệu và ngành IoT. Sắp tới Học viện tiếp tục mở ngành Kỹ thuật dữ liệu, ngành Internet kết nối vạn vật (IoT); dự kiến sẽ tuyển sinh trong năm 2021. Các ngành học mới đang được bắt đầu nghiên cứu để mở là Logistic và Báo chí số.
Học viện đã hoàn thành xây dựng chương trình CNTT - AI 100% tiếng Anh, hoàn thành xây dựng chương trình CNTT chất lượng cao, hoàn thành xây dựng 02 đề án đào tạo liên kết với trường ĐH của Anh Quốc và Úc.
Đối với công tác xét, công nhận tốt nghiệp, năm 2020, Học viện đã tiến hành xét, công nhận tốt nghiệp cho 1783 sinh viên, trong đó, có 07 tiến sĩ, 139 thạc sĩ, 1469 ĐH chính quy, 120 đại học từ xa, 6 đại học liên thông, 26 cao đẳng chính quy, 16 cao đẳng nghề.
Theo ictvietnam