Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II/2024 với các Sở TT&TT

07:11, 14/06/2024

Sáng ngày 13/6/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Quý II/2024 với các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT; Văn phòng Ban Cán sự Đảng; Văn phòng Đảng uỷ; Công đoàn TT&TT Việt Nam; Đoàn Thanh niên Bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT; đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM và Đà Nẵng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ Tổ chức Cán bộ thông báo tình hình thay đổi nhân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT trong Quý II/2024; Văn phòng Bộ thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong Quý II/2024, thông báo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước Quý II và nhiệm vụ trọng tâm trong Quý III/2024.

Giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các Sở TT&TT

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Lãnh đạo Bộ TT&TT đã lắng nghe và trực tiếp trả lời, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT, trong đó có việc bổ sung nhân sự cho địa phương, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hệ thống thông tin của địa phương, dịch vụ công trực tuyến, ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC)...

Đối với các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng yêu cầu, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và Lãnh đạo Bộ có những giải đáp cụ thể, đồng thời các đơn vị thuộc Bộ quán triệt nghiêm túc nguyên tắc khi ban hành các văn bản, chính sách của Bộ TT&TT phải kèm theo chương trình hành động trong việc hỗ trợ địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị và các điểm cầu trực tuyến.

15/9/2024 sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao 2G only

Liên quan đến lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT quy hoạch băng tần 880-915 MHz và 925-960 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng IMT của Việt Nam. Theo đó, đến hết ngày 15/9/2024 sẽ ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G only và đến tháng 9/2026 sẽ ngừng hoàn toàn mạng 2G. Vì vậy, Thứ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao 2G.

Thứ trưởng giao Cục Viễn thông và các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ tuyên truyền thường xuyên, liên tục hàng tuần, hàng tháng từ nay đến tháng 9 để người dân biết. Song song với đó, Thứ trưởng cũng chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông ở các địa phương. Theo kết quả điều tra, tốc độ tải dữ liệu đường xuống 4G ở nhiều địa phương đang mức dưới 40 Megabit/s như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Do đó, Thứ trưởng đề nghị địa phương và doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông bằng cách triển khai ứng dụng đo iSpeed.

Các Sở TT&TT tham mưu cho UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở, ban ngành, các cơ quan báo chí, địa phương vận động công chức, viên chức, đoàn thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng, doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng đo, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan phát triển tên miền, Bộ TT&TT đã ký chương trình phổ cập tên miền và các dịch vụ số với chính sách đột phá là miễn phí 2 năm tên miền cho tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp thành lập dưới 1 năm và người dân trong độ tuổi từ 18 - 23. Việc mỗi người dân có 1 tên miền là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số. Thứ trưởng giao Trung tâm Internet Việt Nam phối hợp với các Sở TT&TT triển khai chương trình này.

Bộ TT&TT sẽ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khôi phục nhanh hệ thống dữ liệu nếu bị tấn công

Về an toàn thông tin, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm 100% hệ thống thông tin từ cấp độ 1 đến 5 đang vận hành phải được phê duyệt cấp độ an toàn. Thời hạn phê duyệt cấp độ an toàn chậm nhất là tháng 9/2024 và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt chậm nhất tháng 12/2024.

Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết bảo đảm ATTT theo nguyên tắc phục hồi nhanh nhất khi sự cố xảy ra, trong đó chú trọng phương án khôi phục nhanh hệ thống, dữ liệu sau khi bị tấn công.

Các cơ quan chuyên trách CNTT tại địa phương cần rà soát hệ thống CNTT tại đơn vị mình để có phương án bảo vệ và phục hồi dữ liệu khi bị sự cố tấn công mạng; trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ để cập nhật thông tin, các vấn đề phát sinh trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng…Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị tại Trụ sở Bộ TT&TT.

Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt

Về vai trò của thông tin cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các địa phương tích cực tham gia Hội nghị quán triệt Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 quy định về hoạt động thông tin cơ sở.

Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là văn bản pháp lý đầu tiên về thông tin cơ sở, vì vậy, địa phương cần tham gia đầy đủ, cùng phối hợp tổ chức thành công, trao đổi cách làm mới.

Theo Thứ trưởng, thông tin cơ sở là kênh truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, phát huy được sức mạnh truyền thông ở cơ sở. Từ trước đến nay, hoạt động thông tin cơ sở chủ yếu là truyền tải thông tin đến người dân thông qua một số loại hình như đài truyền thanh cấp xã và cấp huyện, bảng tin công cộng, bản tin, tài liệu không kinh doanh, hoạt động tuyên truyền viên cơ sở,....

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, "Mạng lưới phát ngôn" là chức năng mới được Thừa Thiên Huế bổ sung trên hệ sinh thái Hue-S nhằm sử dụng nền tảng công nghệ số tạo kênh kết nối 2 chiều giữa các cơ quan báo chí với cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đây là một cách làm hiệu quả mà các địa phương cần quan tâm học tập.

Liên quan đến việc đào tạo nhân sự cho cán bộ địa phương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm gợi ý, các Sở TT&TT có thể cử cán bộ tham gia học tập, đào tạo tại Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý TT&TT. Trường đã xây dựng hệ thống học trực tuyến với các khoá học ngắn hạn và cấp chứng chỉ trực tuyến.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cuối tháng 6/2024, Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC). Hướng dẫn về mô hình IOC được Bộ xây dựng dựa trên tổng hợp về kinh nghiệm của quốc tế và các địa phương trong nước đã triển khai thành công. Đây sẽ là mô hình khung có tính chất khuyến nghị để các tỉnh, thành phố có căn cứ xây dựng IOC, thành phố thông minh phù hợp.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Lãnh đạo Bộ vừa mới có cuộc họp với Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng để cùng tìm ra định hướng và cách tiếp cận mới trong phòng, chống tấn công mạng. Sắp tới, Bộ TT&TT sẽ có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khôi phục nhanh hệ thống, dữ liệu sau khi bị tấn công. Hệ thống phải có phương án cứu hộ với các mốc thời gian cụ thể.

Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, các cơ quan chuyên trách CNTT địa phương phải rà soát hệ thống CNTT tại đơn vị mình để có phương án bảo vệ và phục hồi dữ liệu khi bị sự cố tấn công mạng; đồng thời, tích cực trao đổi với các đơn vị chức năng của Bộ để cập nhật thông tin, các vấn đề phát sinh trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng…/.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/hoi-nghi-giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-quy-ii-2024-voi-cac-so-tttt-197240613212337624.htm