Bộ TT&TT quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn thuộc lĩnh vực TT&TT trong triển khai Đề án 06

08:07, 11/06/2024

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn thuộc lĩnh vực TT&TT trong triển khai Đề án 06 tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Sáng 10/6/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5 yếu tố chính thúc đẩy chuyển đổi số, đó là: Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, Dữ liệu số và Doanh nghiệp công nghệ số.

Dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương…

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và trụ sở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết quả 1 năm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023

Báo cáo kết quả 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 về triển khai hạ tầng CNTT, đảm bảo chất lượng an toàn an ninh mạng dữ liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến xã để phục vụ Đề án 06, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết:

Bộ phối hợp với Bộ Công an kết nối hai trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, Bộ cũng đã định tuyến, liên thông, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, qua đó, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, CSDLQG về dân cư với các CSDLQG, CSDL chuyên ngành và hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước. Mạng đã duy trì và bảo đảm an toàn kết nối 63 tỉnh, thành phố với các Bộ, ban, ngành Trung ương. Các kết nối được giám sát 24/7, đảm bảo kết nối thông suốt phục vụ Đề án 06.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp an toàn thông tin, bao gồm các hệ thống giám sát mạng, hệ thống giám sát an toàn thông tin, kiểm soát truy nhập tập trung tới cấp xã, đảm bảo an toàn thông tin cao nhất trên mạng, phục vụ hiệu quả triển khai Đề án 06 tại các Bộ, cơ quan và địa phương.

Về hạ tầng, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo chất lượng đường truyền Internet, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Bộ đã hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông quản lý khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, với các công nghệ tiên tiến như 3G, 4G và đã thử nghiệm 5G.

Lần đầu tiên Bộ TT&TT triển khai đấu giá thành công băng tần công nghệ 5G, cung cấp các chương trình viễn thông, dịch vụ 5G trong năm nay.

Thứ trưởng Phạm Đức Long báo cáo kết quả 1 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023.

Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phổ cập hạ tầng băng rộng đến tận thôn, bản, xã, phường trên cả nước. 100% xã, phường có hạ tầng băng rộng cáp quang. 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng 4G. Sóng 4G đã phủ sóng đến 99,8% dân số tại các vùng, miền trên cả nước.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động, dự kiến tốc độ tải xuống 4G đạt 40Mps, tốc độ 5G đạt 100 Mbps. 100% người dân ở các quận huyện thành phố được tiếp cận dịch vụ 5G. 100% các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, các trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, các nhà ga, bến cảng sẽ có 5G.

Về an toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản hướng dẫn về an toàn an ninh mạng triển khai Đề án 06, đến nay nhận được báo cáo kết quả rà soát 62/63 địa phương, 22/28 Bộ, ban, ngành Trung ương. Trong đó, 96/124 hệ thống thông tin đáp ứng; 28/124 hệ thống chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí.

Thời gian qua, một số hệ thống thông tin của các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đã xảy ra sự cố mất an toàn thông tin mạng và xu hướng này ngày càng gia tăng. Bộ TT&TT đề nghị các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc phạm vi triển khai Đề án 06 cần thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn thông tin ở mức cao nhất theo quy định, thực hiện nghiêm túc Công điện 33 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TT&TT để đảm bảo an toàn thông tin.

Về tiêu chuẩn kết nối vào cơ sở dữ liệu, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, chuyển đổi số càng nhiều thì càng có nhiều dữ liệu. Đề án 06 chỉ có hiệu quả nếu như có nhiều dữ liệu. Hiện nay, tình trạng cát cứ, phân mảnh, thiếu nhất quán là vấn đề đang phải đối mặt trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử nói chung và Đề án 06 nói riêng.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ đã được Bộ TT&TT ban hành đầy đủ nhưng tiêu chuẩn về cấu trúc dữ liệu chuyên ngành mà các Bộ ngành, địa phương chịu trách nhiệm ban hành vẫn còn chậm trễ và chưa đầy đủ. Đề nghị các Bộ, ngành cần sớm xây dựng tiêu chuẩn đối với dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của ngành, sau đó phân định rõ dữ liệu nào Trung ương xây dựng, dữ liệu nào địa phương xây dựng để có căn cứ triển khai thống nhất.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Bộ TT&TT dự kiến sẽ hỗ trợ từ 1 đến 2 Bộ, ngành, địa phương làm tốt việc xây dựng và khai thác dữ liệu, từ đó rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng.

Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tử, Bộ TT&TT đang chủ trì xây dựng 3 Nghị định và 2 Thông tư liên quan đến Luật Giao dịch điện tử. Hai Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ trình trong tuần này, nghị định thứ ba dự kiến trình trong tháng 6. Thông tư về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài sẽ trình ban hành trong tháng 6, còn Thông tư về thiết lập, vận hành hệ thống tiếp nhận, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước sẽ được ban hành trong tháng 8.

Thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số và doanh nghiệp công nghệ số là 5 yếu tố chính thúc đẩy chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến 5 yếu tố chính thúc đẩy chuyển đổi số. Đó là, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, Dữ liệu số và Doanh nghiệp công nghệ số.

Bộ trưởng chỉ rõ: Thể chế số, quan trọng nhất là ở chữ số, phải phù hợp với môi trường số, cần sự đồng bộ, đi trước. Hạ tầng số quan trọng là phủ rộng, không có vùng lõm, đảm bảo tốc độ cao và an toàn. Nhà nước và Trung ương cần tạo ra các hạ tầng chuyển đổi số lớp dưới thành các nền tảng dùng chung cho toàn quốc, như hạ tầng phần cứng, hạ tầng phần mềm, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng an toàn an ninh mạng. Các cơ quan nhà nước phát triển ứng dụng thì thuê dịch vụ của các doanh nghiệp công nghệ số thay vì tự đầu tư.

Về nhân lực số, theo Bộ trưởng, trước hết cần nâng cao nhận thức số của lãnh đạo các cấp, sau đó là đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân thông qua các nền tảng đào tạo số trực tuyến.

Dữ liệu số, quan trọng nhất là số hóa toàn bộ và kết nối chia sẻ. Mọi hoạt động của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân phải được ghi nhận trên môi trường số và mọi hoạt động offline nếu có phải được số hóa. Nếu không có dữ liệu, không thể có đầu vào cho chuyển đổi số.

Điểm cầu tại Bộ TT&TT.

Doanh nghiệp công nghệ số cơ bản phải là doanh nghiệp Việt Nam, phải năng động, giỏi, linh hoạt, thích ứng nhanh, chấp nhận làm trước tiền sau, thì mới có thể chuyển đổi số thành công.

Một số bài học về chuyển đổi số

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ một số bài học về chuyển đổi số.

Thứ nhất là làm thí điểm. Làm thí điểm trước, làm cho đến nơi, cho đến thành công, rồi copy ra cả ngành, cả tỉnh, rồi cả nước.

Thứ hai, dùng nền tảng số. Đầu tư một nơi, phần cứng một nơi, phần mềm khai thác một nơi nhưng sử dụng là mọi người trên toàn quốc.

Thứ ba là hướng dẫn chi tiết. Cái gì mới, trừu tượng, lại công nghệ mà chưa làm bao giờ tức là còn lơ mơ thì ban đầu rất cần hướng dẫn chi tiết, giống như là cầm tay chỉ việc.

Thứ tư là hợp tác chiến lược với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước phải đi với nhau một chặng đường dài, là đối tác chiến lược của nhau và doanh nghiệp cam kết nguồn nhân lực dành riêng cho dự án chuyển đổi số.

Thứ năm là tìm ra các công thức thành công để nhân rộng. Công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo, thì sẽ thực sự là sức mạnh mang tính toàn dân... Ví dụ Bộ Công an thì có công thức là "đúng, đủ, sạch, sống" khi làm cơ sở dữ liệu dân cư.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về những đột phá chuyển đổi số các ngành, các cấp. Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện và cần có bước đột phá. Chuyển đổi số sẽ không thành công nếu người đứng đầu các cấp không trực tiếp làm ít nhất một dự án chuyển đổi số có tính nền tảng.

Đề án 06 của Bộ Công an là một ví dụ thành công về đột phá và đột phá này do Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo. Mũi đột phá này kéo theo chuyển đổi số của cả Bộ Công an và tác động lớn đến chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi Bộ ngành, mỗi địa phương phải tìm ra một mũi đột phá, có một đề án như Đề án 06 của Bộ Công an, tập trung chỉ đạo và thực hiện xong và thành công trong 2 năm 2024-2025./.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/bo-tttt-quyet-liet-giai-quyet-cac-diem-nghen-thuoc-linh-vuc-tttt-trong-trien-khai-de-an-06-197240610193644323.htm