Hội thảo “Đạo đức sinh học trong thời đại Trí tuệ nhân tạo”
Ngày 3/11 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiểu ban UNESCO về Khoa học xã hội tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề: Đạo đức sinh học trong thời đại Trí tuệ nhân tạo.
Dự hội thảo có các đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước.
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đã mang lại những thay đổi lớn trong xã hội, đặc biệt là trong kinh tế và khoa học ứng dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả các thành tựu phát triển của AI và tự động hóa, các quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức do AI mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn.
Hội thảo sẽ trao đổi những thách thức về phương diện đạo đức của trí tuệ nhân tạo đối với đời sống xã hội nói chung trên thế giới và Việt Nam, đồng thời đưa ra những kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa đối với những thay đổi trong thể chế, chính sách, pháp luật về đạo đức liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Hội thảo gồm 2 phiên: Phiên 1 về Trí tuệ nhân tạo và các khía cạnh đạo đức sẽ có các tham luận trao đổi về một số khía cạnh cụ thể sau: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các bài toán liên quan tới môi trường, xã hội tại Việt Nam; Vấn đề đạo đức trí tuệ nhân tạo và những tác động xã hội; Phân tích trường hợp cụ thể, vấn đề đạo đức liên quan đến các phương tiện lái tự động.
Phiên 2 về Các vấn đề chính sách và định vị các chuẩn mực gồm các tham luận đề cập đến các chủ đề như: Làm thế nào để các công ty khởi nghiệp AI điều hướng giữa môi trường thể chế vĩ mô và vi mô? Đạo đức AI và gợi ý chính sách cho Việt Nam; Xây dựng khung pháp lý cho phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS, TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: "Thông qua các tham luận và các ý kiến trao đổi, tranh luận, chúng tôi mong muốn hội thảo sẽ nhận diện được nội hàm và bản chất của các khái niệm, xem xét trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn đạo đức, đồng thời gợi mở và đề xuất được các cơ chế, chính sách... phù hợp với các quy chuẩn đạo đức và trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam".
GS.TS Đặng Nguyên Anh cũng cho biết, sự phát triển bùng nổ của Internet và cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại những phát minh làm thay đổi hoàn toàn thách thức xã hội và con người vận hành dựa trên những nền tảng trí tuệ nhân tạo siêu tự động hóa và siêu kết nối. Hiện nay, trên thế giới đã sản xuất ra các robot có thể suy nghĩ như con người với hệ thần kinh như là một phần của bộ não có thể nghe, nhìn, chuyển động và sử dụng ngôn ngữ của chúng ta.
Trí tuệ nhân tạo còn giúp nhận dạng giọng nói, khuôn mặt với khả năng lập luận và thậm chí là khả năng tự sửa đổi. Trí tuệ nhân tạo đang xóa mờ danh giới giữa các yếu tố vật chất, yếu tố kỹ thuật số và sinh học. Sự phát triển mạnh mẽ của nó diễn ra rất nhanh, từng giờ, từng ngày và mang lại những lợi ích vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Kinh tế, sức khỏe, khoa học, giáo dục… và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề về trí tuệ nhân tạo mà chúng ta chưa hiểu rõ, chưa thống nhất, khó có thể khẳng định hay lường trước được những tác động xã hội, cũng như những tác động lên phạm trù đạo đức trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
TS Hoàng Vũ Linh Chi, Viện Xã hội học cho biết: Với sự phát triển nhanh chóng của siêu dữ liệu, điện toán đám mây, Internet vạn vật, các thiết bị di động thông minh trên các lĩnh vực khác nhau của xã hội loài người và thúc đẩy sự ra đời của kỷ nguyên thông minh, đưa con người đến một không gian mới - không gian được đánh dấu bởi không gian vật lý, không gian xã hội của con người và không gian mạng. Trong không gian bậc ba, trật tự của xã hội loài người sẽ luôn được tái cấu trúc.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để đi tắt đón đầu, phát triển nhanh chóng, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, giúp con người nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các đổi mới công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng , đặc biệt là trong các lĩnh vực như học máy (cũng như việc sử dụng ngày càng rộng rãi các hệ thống dựa trên Al), đã mang lại nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu đạo đức của trí tuệ nhân tạo và những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến đời sống cá nhân và xã hội.
Trí tuệ nhân tạo là tập hợp các công nghệ khác nhau có thể được kết hợp lại với nhau để cho phép máy móc hoạt động với những gì có vẻ giống như mức độ thông minh của con người. Đạo đức trí tuệ nhân tạo là hướng dẫn tư vấn về thiết kế và kết quả của trí tuệ nhân tạo. Con người và xã hội có đủ loại thành kiến và những thành kiến đó phản ánh trong hành vi và sau đó là dữ liệu.
Tiếp đó, dữ liệu là nền tảng cho tất cả các thuật toán học máy và trí tuệ có khả năng khuếch đại và mở rộng những thành kiến của con người với tốc độ chưa từng có. Trong giai đoạn hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo chưa thể thông minh như con người và trong tương lai sẽ thông minh hơn con người nhưng nó cũng đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội của con người.
Khôi Nguyên (T/h)