Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (viết tắt là Nghị định 72). Sau 7 năm thực hiện, Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, những khoảng trống cần được hoàn thiện như: Tình trạng “báo hóa” trang thông điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội (các trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như cơ quan báo chí, mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp); vấn đề quản lý game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Google Play, Apple Store; chưa có quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu (bao gồm dịch vụ cho thuê máy chủ, dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ, dịch vụ cho thuê chỗ trên máy chủ, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ mạng phân phối nội dung CDN…)
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn mong muốn có nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu để Nghị định 72 sau khi ban hành sẽ có tính khả thi cao, giải quyết nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhận định, việc sửa Nghị định 72 nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong các lĩnh vực thông tin điện tử, viễn thông, Internet.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đối với 12 chính sách các đơn vị quản lý nhà nước đề xuất liên quan đến lĩnh vực thông tin trên mạng, viễn thông, Internet và an toàn thông tin. Các ý kiến cần tập trung vào các điều khoản cụ thể trong dự thảo Nghị định sửa đổi, đề xuất, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (DN) để sau này khi đã ban hành Nghị định có tính khả thi cao, giải quyết được những vướng mắc của DN trong thực tiễn.
Tại Hội thảo, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã giới thiệu những nội dung dự kiến sửa đổi trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, Nghị định 27/2018/NĐ-CP đối với các quy định liên quan đến hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, kho ứng dụng.
Cụ thể, đối với Trang thông tin điện tử tổng hợp, nội dung dẫn lại phải phát hành chậm hơn tối thiểu 1 giờ so với thời điểm phát hành nội dung nguồn. Giới hạn thông tin tổng hợp thuộc về 7 lĩnh vực: Khoa học công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Mỗi trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được tổng hợp thông tin về một trong 7 lĩnh vực nêu trên.
Đối với việc cấp phép và quản lý mạng xã hội, điểm mới của dự thảo Nghị định 72 là: Mạng xã hội có lượng thành viên ít, lượng tương tác thấp, chỉ cần thông báo với Bộ TT&TT trước khi hoạt động. Sau khi thông báo, Bộ sẽ gắn công cụ đo để theo dõi người dùng (user) và lượt tương tác. Đối với mạng xã hội lớn (có hơn 10.000 thành viên hoặc lượng người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10 nghìn người/tháng trở lên) thì phải có Giấy phép thiết lập mạng xã hội do Bộ TT&TT cấp. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của mạng xã hội. Mạng xã hội cần có giải pháp tiền kiểm nội dung, không cho phép người sử dụng đăng tải các bài viết có nội dung thể hiện như một sản phẩm báo chí; chỉ cho người sử dụng đăng phát livestream về hoạt động văn hóa, giải trí, quảng cáo, khoa học công nghệ, giáo dục. Chỉ các mạng xã hội có giấy phép mới được thu phí sử dụng dịch vụ livestream.
Về kho ứng dụng trên mạng, hiện nay một số kho ứng dụng xuyên biên giới đang phát hành nhiều ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam như game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, game có nội dung nhạy cảm về chính trị…; vẫn cho thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp.
Đối với dịch vụ thông tin xuyên biên giới, sẽ đưa các nội dung về quản lý thông tin xuyên biên giới đang quy định ở Thông tư 38/2016/TT-BTTTT vào Nghị định 72. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết trong các trường hợp như: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; Không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Đại diện đến từ các Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với các nội dung trong dự thảo sửa đổi Nghị định 72. Đáng chú ý là ý kiến đến từ Viettel liên quan đến việc mạng xã hội trong nước bị quản lý chặt chẽ hơn mạng xã hội xuyên biên giới nên việc cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu hút người dùng. Các ý kiến khác bao gồm: tiền kiểm nội dung trên mạng xã hội, xác thực định danh hai lớp trên mạng xã hội, thiếu các nội dung quy định về tạp chí điện tử,…
Kết thúc Hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ TT&TT đề nghị tất cả các đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ gửi các ý kiến này dưới hình thức văn bản về Vụ để có thể đảm bảo tiến độ hoàn thành và gửi hồ sơ sang Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 6 này theo đúng kế hoạch đã định./.