Hội Tin học Việt Nam sẽ luôn là lá cờ đầu tập hợp cộng đồng CNTT phấn đấu cho một Việt Nam hùng cường và bền vững
Ngày 6 tháng 1 năm 2019 đánh dấu sứ mệnh 30 năm Hội Tin học Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp lâu năm nhất của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam - đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ của tuổi 30 và khẳng định hướng phát triển mới cho một giai đoạn chuyển đổi công nghệ. Sự kiện vừa là sự khích lệ vừa là ngọn cờ tập hợp lực lượng CNTT Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Hội Tin học Việt Nam cùng Gặp gỡ ICT đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 giữa các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT, Bộ trưởng Bộ TTTT đã phát biểu và chúc Hội Tin học Việt Nam và các Hội, Hiệp hội ngành CNTT-TT sẽ gặt hái được nhiều thành công và thắng lợi hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường”. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Hội lần đầu trao Kỷ niệm chương cho các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội và các UVBCH các thời kỳ.
Năm 2019 đã thành lập thêm Hội Tin học tỉnh Bình Phước; một số hội tổ chức Đại hội nhiệm kỳ như: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương ... nhiều lãnh đạo hội nhận nhiệm vụ mới như: Ông Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh – Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Ông Tô Mạnh Cường – Tổng Giám đốc Mobi-Fone, Ông Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội... Đến nay Hội đã có trên 40 Hội Tin học Thành viên, 2 Câu lạc bộ ngành quy mô toàn quốc quy tụ trên 1000 doanh nghiệp ICT với trên 50.000 hội viên. Hội Tin học Việt Nam đã có các hoạt động thiết thực cụ thể trong năm 2019, đó là:
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao bức trướng kỷ niệm 30 năm VAIP
- Tích cực và chủ động tư vấn, phản biện về CNTT-TT cho các chủ chương mới của Đảng và Chính phủ về CNTT-TT; Tháng 7/2019 tham gia góp ý kiến tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị của Ban Tuyên giá0 TW. Bên cạnh đó, Hội cũng có nhiều hoạt động tư vấn, thẩm định và xây dựng các đề án, dự án CNTT cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, Tỉnh thành và doanh nghiệp. Ngoài ra, Hội cũng tích cực hợp tác và tham gia các hoạt động giới thiệu quảng bá giải pháp, sản phẩm và dịch vụ của các Doanh nghiệp CNTT và các tài năng khởi nghiệp bằng CNTT.
- Đưa đoàn sinh viên VN dự Chung kết ICPC toàn cầu tại Porto, Bồ Đào Nha vào 4/2019; tiếp nhận tổ chức kỳ thi vòng loại ICPC Asia Danang, Tổng Thư ký Hội được bầu làm đồng Giám đốc ICPC Asia South-east & Pacific. Chuẩn bị tiếp nhận đăng cai Kỳ thi Chaimpion ICPC Asia Southeast & Pacific vào 2020 và Kỳ thi Lập trình đối kháng Procon Hanoi 2020 tại Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội.
- Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của CLB Phần mềm nguồn mở Việt Nam; Duy trì đều đặn các hoạt động của cộng đồng PMNM Việt Nam (Ngày PMNM Vietnam). CLB FISU đã tham gia tích cực tổ chức các hoạt động cho các Khoa – Viện – Trường CNTT.
- Cùng UNBD tỉnh Phú Yên và Bộ TTTT tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXIII với chủ đề “Chuyển đổi số: kết nối, chia sẻ dữ liệu hoàn thiện Chính quyền điện tử” vào ngày 22-23/8/2019. Hội thảo thu hút trên 700 đại biểu tham dự. Song song với Hội thảo tổ chức Hội nghị Hội đồng TW các Hội Tin học thành viên (23/8/2019)
- Tiếp tục duy trì Báo cáo Việt Nam ICT Index 2019 công bố xếp hạng khối Bộ-Ngành và Tỉnh Thành tại Hội thảo HT-PT CNTT-TT VN 2019. Tiếp tục các báo cáo ICT Index ngành Tài Chính và xây dựng ICT Index cho các cơ quan TW Đảng trong năm 2019-2020.
- Tham gia chủ trì chuyên môn: Giải Nhân tài Đất Việt (2019), Hội thi Tin học trẻ (7/2019), Hội thi Tin học Công chức - Viên chức trẻ (11/2019), Giải thưởng Quả Cầu Vàng,...
- Tổ chức Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 28 kết hợp với Kỳ thi lập trình quốc tế ICPC Asia Danang năm 2019 và lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi lập trình đối kháng PROCON Viet-nam 2019 tại Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng từ 3-7/12/2019 thu hút gần 800 sinh viên từ 77 trường ĐH&CĐ cùng 17 đội tuyển Quốc tế đến từ Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, Myanma, Hongkong, Indonesia và Trung Quốc. Trước và sau Olympic, Hội đã tổ chức và hỗ trợ cho các đội tuyển tham dự ICPC Asia Jakarta, Asia Bangkok, AsiaKuala Lumpur, Asia Manila, tiếp tục duy trì sự hiện của đội tuyển Việt Nam trong Chung kết ICPC toàn cầu tại Moscow, Nga vào 6/2020.
Hoàn thành tái cơ cấu Viện Tin học Nhân dân và Viện bắt đầu đi vào hoạt động ổn định. Tạp chí Tin học & Đời sống và chuyên trang cơ bản tái cơ cấu và hoàn tất các thử tục xin cấp Giấy phép trang tin điện tử; hiện duy trì chuyên san Thế giới số; ra mắt 2 số Tin học và Đời sống sau nhiều năm gián đoạn. Trang thông tin điện tử www.vaip.vn, www.OLP.vn, www.congnghevadoisong.vn, www.tgs.vn hoạt động ổn định.
Năm 2019 đánh dấu nhiều dấu ấn đáng tự hào, ngành CNTT-TT cũng đã đi qua năm 2019 với rất nhiều cách tiếp cận mới, nhiều thay đổi mới với tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem như một cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Do vậy, cơ hội cho những năm tiếp theo sẽ là đẩy mạnh chuyển đổi số nhanh hơn đòi hỏi vai trò điều phối từ Chính phủ, thúc đẩy mọi thành phần xã hội từ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, nhanh chóng tiếp cận với các xu thế công nghệ mới, đưa mục tiêu 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, qui trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi rất to lớn này.
Năm 2020, Hội Tin học Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể, đó là:
- Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phát triển Hội viên. Tăng cường và tích cực phối hợp hoạt động giữa Hội Tin học Việt Nam và các Hội Tin học thành viên.
- Tích cực tham gia tư vấn phản biện và các hoạt động định hướng nâng cao vị thế và vai trò của Hội trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
- Tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT tại Hải Dương (8/2020), Báo cáo Vietnam ICT Index 2020, Olympic Tin học sinh viên và Kỳ thi ICPC Asia Cần Thơ vào 11/2020.
- Năm 2020 sẽ lần đầu tổ chức 2 kỳ thi lập trình Quốc tế: Kỳ thi Lập trình đối kháng PROCON Asia vào tháng 3/2020 và Kỳ thi Chaimpion ICPC Asia Southeast & Pacific vào 12/2020 tại Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. v Tích cực chuẩn bị bộ tiêu chí đánh giá mới cho Báo cáo Vietnam ICT Index; Định hướng nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các dịch vụ công trực tuyến và Chính quyền điện tử.
- Tiếp tục duy trì tổ chức các đoàn Doanh nghiệp ICT tham gia xúc tiến thương mại và hợp tác trong các khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế do Nhà nước chủ trì. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNTT với các Quốc gia phát triển.
- Tích cực thực hiện các hoạt động xã hội nghề nghiệp: nâng cao vai trò của Hội với Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và các cơ quan QLNN về CNTT; hợp tác và phối hợp với Liên hiệp Hội, các Hội, Hiệp hội nâng cao trách nhiệm tư vấn phản biện về CNTT. Thúc đẩy nghiên cứu Khoa học & Công nghệ; nghiên cứu và chuẩn bị các hoạt động mới phù hợp với xu thế công nghệ mới hướng tới chuyển đổi số và hướng tới nền kinh tế số.
- Cụ thể định hướng đào tạo nguồn lực và kỹ năng nghề và các hoạt động Nghiên cứu, đào tạo mới, phù hợp thông qua Viện Tin học Nhân dân và CLB FISU. Triển khai nhanh tổ chức các hoạt động cụ thể về Đào tạo và Truyền thông của Viện Tin học Nhân dân. Tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn phản biện của Viện.
- Tích cực tái cơ cấu và duy trì hoạt động của Tạp chí Tin học và Đời sống cùng các chuyên san theo các quy định mới của Quy hoạch báo chí. Hội chủ động, trực tiếp quản lý các Tạp chí và cơ quan truyền thông của mình; nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức tạp chí và trang thông tin điện tử.
- Duy trì và đẩy mạnh các công tác thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng và văn hoá - thể thao. Năm 2020, Hội Tin học Việt Nam thông qua những hoạt động cụ thể của mình, sẽ tiếp tục truyền đi những thông điệp tích cực, khích lệ cho cộng đồng CNTT, hội viên, các hội tin học thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần cho đất nước phát triển bền vững, vì một Việt Nam hùng cường.
Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam